Tình trạng khai thác trái phép quặng diatomite tại núi Trổ Đó thuộc thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa diễn ra đã lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Núi Trổ Đó giờ đầy những hầm khai thác quặng diatomite sâu hoắm – Ảnh: T.HIẾU |
Năm 2004, khi tuyến tránh quốc lộ 1A qua TP Tuy Hòa và con đường Phú Vang - Thọ Vức được triển khai xây dựng, đơn vị thi công đã lấy đất ở núi Trổ Đó đổ nền cho hai tuyến đường này. Tình cờ phát hiện ở núi này có quặng diatomite (thường gọi là đất đèn), nhiều người dân ở huyện Tuy An và thị trấn Phú Lâm (nay là phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) đổ xô đến đây khai thác. Sau đó, nhiều người dân địa phương cũng tham gia. Hiện nay mỗi ngày có khoảng 5 tổ, mỗi tổ 2-3 người khai thác quặng diatomite ở núi Trổ Đó.
Anh N.V.T ở thôn Ngọc Phong, xã Hòa Kiến cho biết: “Trước đây, hai vợ chồng tôi làm phụ hồ, chỉ được 80.000 - 90.000 đồng/ngày mà phải ở lại nơi làm xuyên trưa. Đầu năm 2008, thấy nhiều người làm đất đèn có tiền, gia đình tôi chuyển sang đào loại quặng này, mỗi ngày cũng kiếm được 170.000 đồng”. Còn anh N.H cũng ở xã Hòa Kiến, nhà có ba người đi đào diatomite, cho hay: “Cả nhà tôi thường đi đào diatomite từ 4g30 sáng đến chiều tối, mỗi ngày đào khoảng 2,5 tấn, bán được 290.000 đồng”. Những người khai thác diatomite ở núi Trổ Đó nói rằng người khỏe một ngày có thể đào được 1 tấn quặng. Do vậy, theo anh H, vào cuối ngày, khi mọi người gom đất đèn lại để bán thì số lượng thường là trên dưới 10 tấn. Tại bãi quặng này có 4-5 xe bục bịch của tư thương luôn thường trực để mua quặng do bà con đào lên, phơi khô.
Ông Võ Huy Lăng, Chủ tịch UBND xã Hòa Kiến cho biết: “Việc người dân khai thác diatomite tại núi Trổ Đó là sai quy định vì chưa có giấy phép khai thác. Xã cũng đã biết và nhiều lần cho người xuống hiện trường ngăn chặn, nhưng rồi mọi việc đâu vào đấy. Đầu năm 2008, xã cùng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Tuy Hòa đã kiểm tra và vận động người dân không đào quặng nữa, nhưng đa số những hộ dân này quá nghèo, nên họ bất chấp. Hễ nghe có đoàn kiểm tra đến, họ bỏ trốn; khi lực lượng chức năng về thì họ lại xuất hiện, khai thác. Đầu tháng 6 năm nay, xã Hòa Kiến thành lập tổ công tác gồm nhiều lực lượng phối hợp, nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm được vì không thể ứng trực tại mỏ 24/24”.
Việc địa phương và ngành chức năng chưa ngăn chặn được tình trạng khai thác quặng trái phép ở núi Trổ Đó không chỉ khiến Nhà nước mất đi một khối lượng khoáng sản lớn mỗi ngày, mà còn làm biến dạng ngọn núi này. Nhiều người e ngại rằng nếu không sớm xử lý dứt điểm, thì không xa nữa, ngọn núi này sẽ trở thành... hố. Bên cạnh đó, việc khai thác quặng lậu còn tiềm ẩn những nguy hiểm chết người, bởi năm 2007 tại đây từng bị sập hầm quặng, may là những người đào đều nhanh chân chạy thoát. Chưa kể khả năng mất an ninh trật tự ở bãi quặng là khá lớn vì giành nhau khai thác.
TRUNG HIẾU