Chủ Nhật, 22/09/2024 05:48 SA
Chủ động phòng tránh thiên tai
Thứ Tư, 22/09/2021 07:09 SA

Xây kè chống sạt lở bờ biển khu vực phường 6, TP tuy Hòa. Ảnh: PV

Công tác phòng chống thiên tai thường niên đã quen làm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị đang dồn sức tập trung chống “giặc” COVID-19 thì rất dễ quên loại “giặc” thiên tai.

 

Mùa mưa năm nay đang đến gần. Ở Phú Yên nói riêng, miền Trung nói chung, mùa mưa đồng thời là mùa bão lụt. Thời gian cao điểm mùa bão lụt thường là khoảng từ đầu tháng 10 cho đến tiết đông chí (22/12). Quy mô, cấp độ bão lụt diễn ra rộng lớn; cường độ mạnh, siêu bão. Sức tàn phá của chúng vô cùng ác liệt, gây thiệt hại vô cùng lớn và thảm khốc. Điển hình như các trận bão lụt lịch sử diễn ra ở Phú Yên vào các năm 1924, 1993, 2009. Những trận bão lũ lịch sử ấy đã gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và tài sản.

 

Những năm gần đây, yếu tố biến đổi khí hậu tác động, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, không theo quy luật. Hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn.

Để chủ động phòng tránh thiên tai một cách an toàn theo phương châm “Sống chung với lũ”, “bằng lực lượng và nguồn lực tại chỗ là chính”, rất cần sự chủ động xử lý ngăn ngừa, khắc phục trước những lỗ hổng, mới phát sinh, không để xảy ra sự cố là cách làm căn cơ, ít tốn kém nhất.

 

Phòng hơn chống. Phòng ngừa tốt sẽ giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Khi thiên tai đã xảy ra, công tác cứu hộ đỡ bị động, bất ngờ, luống cuống.

 

Trước tiên là kiểm tra sự an toàn của các hồ đập thủy lợi, thủy điện. Hiện trên địa bàn tỉnh ta có khoảng trên 50 công trình hồ chứa nước, đập dâng, thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ, có tổng sức chứa khoảng 1 tỉ m3 nước. Trong số hơn 50 hồ và đập ấy, có công trình tuổi thọ xấp xỉ 100 năm tuổi như đập Đồng Cam; có khoảng chục hồ chứa do các nông trường tự xây, những công trình này cũng đã xấp xỉ 50 năm tuổi. Khi các nông trường cà phê giải thể, các hồ nước được giao cho chính quyền xã quản lý, nhưng cấp xã khó khăn không đủ kinh phí chăm sóc, tu bổ đảm bảo an toàn của công trình.

 

Nhờ có hệ thống các công trình thủy lợi được đầu tư bài bản đã phát huy hiệu quả to lớn: Dự trữ đủ nguồn nước tưới cho nông nghiệp vào mùa khô; điều tiết, phân lũ, cắt lũ vào mùa mưa, làm giảm nguy cơ ngập lụt sâu cho nhiều vùng trũng, thấp ở hạ du. Nhưng nếu quản lý, vận hành mà không kiểm tra, khảo sát thường xuyên để phát hiện, xử lý sớm chỗ hư hỏng rất dễ xảy ra sự cố vỡ đập, gây ra thảm họa khôn lường. Do đó, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa nước là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà cả về an ninh, chính trị. Bảo vệ, tôn tạo các hồ đập là trách nhiệm của tổ chức Đảng, chính quyền sở tại và của toàn dân.

 

Con sông Ba chảy qua địa phận 3 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên. Trên các bậc thang của sông Ba có 5 công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện đã được xây dựng. Phú Yên nằm ở cuối nguồn sông Ba chịu ảnh hưởng tác động hoạt động xả lũ của các hồ chứa trên thượng nguồn. Do vậy, trong hoạt động liên kết vùng, Phú Yên cần chủ động kết nối thông tin trong công tác chỉ huy vận hành xả lũ với các địa phương bạn và chủ công trình. Quy hoạch, đầu tư thiết lập mạng hạ tầng số phục vụ công tác đo đạc, quan trắc khí tượng, thủy văn dự báo lũ sớm, phục vụ chỉ huy, vận hành chính xác, an toàn. Kiểm tra phát hiện sớm để có biện pháp xử lý kịp thời các vị trí xung yếu thường xảy ra sự cố lún sụt, xói lở, xâm thực, nhất là các khu vực ven sông, ven biển, đèo núí để sớm có kế hoạch ứng phó. Rà soát, chỉnh lý bổ sung văn bản pháp quy (nếu thấy thiếu). Kiện toàn nhân sự, phân công trách nhiệm người, tổ chức chịu trách nhiệm chủ quản hồ chứa nước (cả thủy điện và thủy lợi), cũng như nắm quyền chỉ huy vận hành xả lũ, điều tiết, phân lũ của các hồ lớn đúng thời điểm, không để tình trạng lũ chồng lũ xảy ra làm thiệt hại ở hạ du.

 

Các cấp, các ngành cũng cần kiểm tra độ an toàn của những phương tiện, thiết bị cứu hộ, cứu nạn. Kiểm tra các điểm cao dự kiến làm nơi di dời dân vào lánh nạn cũng như khu vực tàu thuyền neo đậu tránh trú bão lụt. Kiểm tra độ an toàn của các điểm di dời tránh trú bão lụt cho vùng thấp, những công trình “sống chung với bão lụt” của cộng đồng và của tư nhân. Kiểm tra kế hoạch bố trí vật chất dự phòng cung ứng vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men cấp cứu, chống dịch, phao cứu sinh…

 

Tuy công tác phòng chống thiên tai thường niên đã quen làm, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị đang dồn sức tập trung chống “giặc” COVID-19 thì rất dễ quên loại “giặc” tiếp theo là thiên tai. Thành ngữ có câu “đừng để mất bò mới lo làm chuồng”. Còn trong thời kỳ chiến tranh, bộ đội ta thường nhắc nhở nhau trước khi đi vào chiến dịch: “Thà chịu thêm gian khổ, đổ mồ hôi ở thao trường, để bớt đổ máu trên chiến trường”. Hãy kiên trì, điềm tĩnh, chịu khó chuẩn bị kỹ sẽ thành công lớn.

 

TS NGUYỄN THÀNH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek