Thứ Hai, 16/09/2024 19:15 CH
Chúng tôi “ra trận”
Thứ Năm, 19/08/2021 10:26 SA

Nhà báo Ngọc Chung (Báo Phú Yên) phỏng vấn nhân viên y tế đang tham gia phòng, chống dịch. Ảnh: P.V

Đêm 23/6, khi kim đồng hồ gần chạm vào số 12, tôi rời phòng làm việc. Lúc đó tòa soạn vẫn sáng đèn. Kỹ thuật viên đã dàn trang Thời sự số báo ra ngày hôm sau, có tin tường thuật cuộc họp khẩn của UBND tỉnh vừa kết thúc hơn 2 giờ trước và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngay sau khi Phú Yên ghi nhận ca nghi nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Nhà báo Minh Nguyệt, Phó Tổng biên tập - người trực tòa soạn hôm ấy - xem lại trang Thời sự trước khi Tổng biên tập Đào Phạm Hoàng Quyên duyệt. Trong đêm hôm đó, chúng tôi dự cảm rằng những ngày sắp tới sẽ vất vả, nhưng không ngờ dịch bệnh bùng phát và lây lan rất nhanh trên vùng đất vốn yên bình.

 

Quê hương gồng mình chống dịch. Và chúng tôi - những người làm báo - miệt mài trên “mặt trận” truyền thông.

 

Dốc sức truyền thông

 

Ngày nối ngày, diễn biến tình hình và công cuộc chống dịch như dòng hải lưu cuốn tất cả phóng viên. Không chỉ phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế mà các phóng viên phụ trách lĩnh vực xây dựng Đảng - nội chính, lực lượng vũ trang, dân vận - mặt trận, hội - đoàn thể, văn hóa, giáo dục, du lịch, thương mại, giao thông - vận tải, thể thao…, tất cả đều có mặt trên “mặt trận” mới. Điện thoại luôn luôn online. Các văn bản chỉ đạo, điều hành liên tục được cập nhật trên Zalo. Hoạt động truyền thông trên Phú Yên Online và báo in theo sát những diễn biến mới nhất của công tác phòng, chống dịch. Nhà báo Khánh Minh, Phó Tổng biên tập, là người trực tiếp chỉ huy phóng viên “ra trận”. Nhà báo Thu Thủy, Trưởng Phòng Phóng viên, biên tập tin bài trước khi chuyển cho biên tập viên Phú Yên Online và Thư ký tòa soạn. Nhà báo Trần Quới, Phó Trưởng Phòng Phóng viên, theo sát những cuộc họp trực tuyến của tỉnh và hoạt động kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các đồng chí lãnh đạo…

 

Không còn khái niệm giờ giấc. Phập phồng lo lắng. Căng thẳng, áp lực, nhưng ai nấy đều không ngừng cố gắng, bởi hiểu rằng truyền thông là một hoạt động quan trọng trong công cuộc này, để người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch. Các tác phẩm báo chí đã góp phần để người đọc hiểu hơn bao khó khăn, vất vả, hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến với COVID-19, khích lệ người dân chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

 

Rồi sẽ nhớ mãi những ngày này

 

Gần 60 ngày, biết bao tâm trạng, biết bao cảm xúc. Chúng tôi nói với nhau rằng sẽ nhớ mãi những ngày này - những ngày mà sáng sớm, vừa mở mắt ra đã có tin tức, và nhiều khi 9-10 giờ đêm vẫn còn “cày” tin. Những ngày mà sáng chiều hai buổi “canh” báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, âu lo trước số ca nhiễm mới, buồn nẫu khi có mấy ca tử vong; vui mừng khi các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng - nguy kịch bình phục, xuất viện. Hành trình tác nghiệp cũng có những kỷ niệm khó quên.

 

Nhà báo Văn Tài kể: Khoảng 9 giờ 30 ngày 22/7, tôi nhận được cuộc gọi từ một người anh nhờ đặt giúp vòng hoa gửi viếng thân phụ một người bạn. Hỏi thêm, tôi mới biết cha nữ hộ sinh Nguyễn Thị Sim (Trung tâm Y tế huyện Tuy An) vừa qua đời nhưng chị ấy đang phải chăm lo cho các bệnh nhân COVID-19 nên không thể nào về nhà được. Sau khi thu thập thông tin, tôi viết bài Gác việc riêng để thực hiện công tác phòng, chống dịch, đăng trên Báo Phú Yên ngày 24/7. Tôi nhớ mãi câu nói của chị Sim: “Người nhà chị đã để sẵn đồ tang. Khi nào hết dịch bệnh, được về với gia đình thì chị sẽ mặc và thắp nén nhang cho ba sau”.

 

Là một trong những phóng viên rất tích cực trên mặt trận truyền thông, nhà báo Trần Quới từng toát mồ hôi khi “bám” theo sự kiện. Được phân công đưa tin về việc Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đoàn công tác của bộ đi kiểm tra công tác phòng chống dịch, nhà báo Trần Quới “canh” tại Trung đoàn Bộ binh 888. Đợi mãi không thấy, bèn vòng sang Trường Quân sự tỉnh (cũ) thì gặp đoàn công tác. Tác nghiệp tại đó, gần xong, anh hỏi thăm thì biết đoàn sẽ đến Bệnh viện dã chiến Đông Hòa. Không tìm được ô tô để đi nhờ, nhà báo Trần Quới đành đi xe máy, và phải đi thật nhanh, cho kịp. “Trời không nắng, ngoài đường có gió, vậy mà tới nơi vẫn mồ hôi nhễ nhại. Làm việc nhắm chừng gần xong ở bệnh viện dã chiến, tôi lật đật ra phóng xe về trước cho kịp. Lại phải chạy rất nhanh, nhưng đến sân bay thì đoàn xe phóng ào qua. Tôi cố đuổi theo, đến khu phong tỏa phường 1, TP Tuy Hòa. May mà cũng kịp. Rồi đoàn lên ô tô, mình lên xe máy chạy trước đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chạy trước nhưng cũng đến sau thôi, và “lao” vào tác nghiệp”, nhà báo Trần Quới chia sẻ về cuộc “đua tốc độ” bất đắc dĩ để không bỏ lỡ thông tin.

 

Nhà báo Khang Anh nhớ về thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. “Tôi đã viết hết bài nọ tới bài kia là hàng hóa không thiếu, sẵn sàng phục vụ người dân bằng nhiều cách, bà con không nên hoang mang, không tập trung đông người. Nhưng khi chính quyền ban hành văn bản mới, nhiều người vẫn ùa vào siêu thị, cửa hàng để mua. Tuy lo ngại nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi vẫn phải có mặt ở nơi đông người đó, chụp ảnh, viết bài cảnh báo”, nhà báo Khang Anh thổ lộ.

 

Phóng viên tác nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, đương nhiên vất vả. Còn những nhà báo, kỹ thuật viên làm công việc “bếp núc” của tòa soạn thì sao? Nhà báo Trọng Hảo, Trưởng Phòng Phú Yên điện tử, chia sẻ: “Cực nhất và căng thẳng nhất là lúc dịch bệnh mới bùng phát. Và từ đó đến nay, ngày cũng như đêm, chúng tôi luân phiên trực. Không chỉ cập nhật kịp thời tin tức trong tỉnh, Phú Yên Online còn cập nhật tin tức trong nước. Có những hôm, khuya rồi phóng viên vẫn gửi tin. Có những hôm, đến nửa đêm chúng tôi vẫn còn ngồi bên máy tính”.

 

Nhà báo Quang Thuần, Trưởng Phòng Thư ký tòa soạn, cho biết: Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại cơ quan theo chỉ đạo của Ban Biên tập, Phòng Thư ký tòa soạn giảm một nửa lực lượng tham gia làm báo mỗi ngày. Thay vì 9-10 người như trước kia, giờ chỉ còn 5 người đến cơ quan làm việc, gồm Thư ký tòa soạn, biên tập viên, kỹ thuật viên dàn trang, nhân viên sửa mo-rát. Buổi sáng, Thư ký tòa soạn, biên tập viên và nhân viên sửa mo-rát làm việc tại nhà, buổi chiều đến tòa soạn, làm việc cùng các kỹ thuật viên. Giảm nhân lực nên mỗi người phải làm việc gấp đôi trước kia.

 

Tin bài thời sự chiếm phần lớn, có những ngày Thư ký tòa soạn xử lý 6-7 trang thời sự, còn một số chuyên trang theo quy hoạch thì không thực hiện được, do dịch bệnh. Có những tin bài, phóng viên đã đăng ký nhưng đến cuối buổi chiều thì không thực hiện được, vì không liên lạc được với người có trách nhiệm. “Đổ” trang, Thư ký tòa soạn phải thay bằng tin bài khác. Tin tức về diễn biến tình hình dịch bệnh thường có sau 7 giờ - 7 giờ 30 tối. Đây là thông tin được nhiều bạn đọc quan tâm nên kíp trực phải đợi. “Có những ngày, do “đổ” trang hoặc phải chờ tin tức quan trọng, chúng tôi về đến nhà lúc 10-11 giờ đêm. Ăn “cơm chiều” xong là thấy sang ngày mới. Thức dậy, lại tiếp tục làm việc. Điều chúng tôi hài lòng là tin tức cập nhật kịp thời, có nhiều thông tin “nóng”, được bạn đọc quan tâm, góp phần vào công cuộc chống dịch”, nhà báo Quang Thuần chia sẻ.

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek