Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng rao bán tràn lan trên mạng xã hội các bộ kit test nhanh COVID-19 có xuất xứ nước ngoài, thậm chí có người còn ngang nhiên bán “dạo” bên ngoài. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.
Từ bán kit test “dạo” đến bán qua mạng
Là người làm nghề kinh doanh, xây dựng, khi TP Tuy Hòa bùng phát dịch, anh T (TP Tuy Hòa) truy cập vào facebook của một cá nhân, đặt mua 3 bộ test nhanh COVID-19 (hiệu Humasis của Hàn Quốc) với giá 175.000 đồng/bộ về sử dụng. Anh T cho biết: “Khi nhận, tôi thấy số hàng đặt mua giống như hàng trôi nổi, chưa có kiểm định của ngành Y tế Việt Nam. Vì vậy, mua xong tôi không dám dùng mà phải đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để test dịch vụ cho an toàn”.
Liên quan đến việc bán test nhanh kháng nguyên qua mạng xã hội, qua thời gian theo dõi, vào ngày 5/8, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Phú Yên) phát hiện vụ mua bán kit test nhanh giữa khách hàng và Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Phú Toàn Phúc (13 Nguyễn Trãi, phường 4, TP Tuy Hòa). Số hàng giao dịch gồm: 500 test nhanh COVID-19 do Hàn Quốc sản xuất và 1.500 khẩu trang y tế N95 (Promask). Qua thụ lý hồ sơ, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Sở Y tế ra quyết định xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Phú Toàn Phúc về hành vi mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại C khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Công an TP Tuy Hòa cũng đã bắt quả tang Nguyễn Thị Xuân Hương (thường trú khu phố 1, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) đang bán “dạo” 50 bộ kit test nhanh COVID-19 nhãn hiệu SGTi-Flex COVID-19 Ag (xuất xứ Hàn Quốc). Tại thời điểm kiểm tra, bà Hương không cung cấp được giấy tờ chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế do cơ quan có thẩm quyền cấp; toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Công an TP Tuy Hòa đã tạm giữ 50 bộ kit test nhanh nói trên, tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây chỉ là những trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý; trong khi nếu truy cập vào mạng xã hội, người dân dễ dàng bắt gặp nhiều thông tin quảng cáo, giới thiệu bộ kit test nhanh COVID-19 xuất xứ từ nước ngoài như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… có giá dao động từ 300.000-800.000 đồng/bộ. Điều đáng nói là chưa rõ các đối tượng cung cấp kit test nhanh này đã được ngành Y tế cấp phép hay chưa.
Bộ sản phẩm kit test nhanh COVID-19 bị lực lượng quản lý thị trường tạm giữ trong thời gian kiểm tra, thụ lý hồ sơ. Ảnh: VÕ PHÊ |
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ông Trần Huy Hoàng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị y tế Hoàng Lâm (TP Tuy Hòa) cho biết: Kit test xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 thuộc sinh phẩm chẩn đoán Invitro và được phân nhóm dựa vào mức độ rủi ro theo 7 quy tắc để phân loại. Thường các sinh phẩm này được phân loại thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm COVID-19 phải đáp ứng yêu cầu của ngành Y tế về cán bộ chuyên môn, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển... Ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đơn vị kinh doanh trang thiết bị này còn phải có hồ sơ công bố đủ điều kiện kinh doanh thiết bị y tế do Sở Y tế cấp. Tại tỉnh, doanh nghiệp chúng tôi được phép kinh doanh các bộ test nhanh COVID-19 và đang phối hợp với các trung tâm y tế huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân, TX Đông Hòa để bán cho người dân và các tổ chức khi họ có nhu cầu được test nhanh dịch vụ.
“Những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành, khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, người dân không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”, ông Hoàng lưu ý.
Ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Với mong muốn kiểm soát, bảo vệ sức khỏe, tránh lây lan dịch bệnh, người dân gia tăng nhu cầu mua khẩu trang, thuốc, đồ dùng y tế. Chính từ lý do này, nhiều đối tượng nảy sinh hành vi mua bán hàng trái phép. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng có thể được đưa đến tay người dân, gây hậu quả khó lường. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, lực lượng quản lý thị trường Phú Yên xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát địa bàn, đồng loạt ra quân theo dõi, giám sát tình hình cung ứng, mua bán của các cơ sở, người dân trên địa bàn. Đơn vị cũng xử lý mạnh tay các trường hợp sai phạm. Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh rất mong người dân chung tay hỗ trợ, cung cấp thông tin khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu, hành vi vi phạm.
Điều 17, Nghị định 98 của Chính phủ quy định, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-50 triệu đồng. Trường hợp biết kit test không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan có thẩm quyền cho phép kinh doanh nhưng vẫn lợi dụng dịch bệnh, cố tình chào bán thì có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm; tình tiết tăng nặng là lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội được quy định tại điểm l, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Hương Quê
VĂN TÀI - VÕ PHÊ