Mua bán người (MBN) đã và đang trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tội phạm MBN đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội...
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 793/QÐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng chống MBN. Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ MBN, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh cho biết, triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sở này đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đề nghị tất cả sở, ban ngành và địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác phòng chống MBN; đấu tranh phòng chống tội phạm MBN, truy tố và xét xử tội phạm MBN; tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, hoàn thiện chính sách, pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật liên quan đến phòng, chống MBN; tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN. Trong đó, đặc biệt chú ý công tác truyền thông phòng chống MBN.
“Sở LĐ-TB-XH cũng đã chủ động triển khai bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng, chống MBN vào các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em. Đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân về hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111”, ông Võ Văn Binh thông tin thêm.
Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến MBN được tiếp nhận, phân loại; tỉ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm MBN phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm MBN bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ nạn nhân các cấp, nhất là ở cấp xã.
Cảnh giác với tội phạm MBN
Theo ông Nguyễn Nhàn, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, MBN đã và đang trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong toàn xã hội. Tội phạm MBN đã trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, mà đối tượng tác động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Qua các vụ án mua bán phụ nữ và trẻ em cho thấy, chủ yếu bọn tội phạm lợi dụng sự kém hiểu biết của người bị hại ở những vùng sâu, vùng xa trong nội địa, những người không có việc làm, hoàn cảnh éo le, kinh tế khó khăn… để dụ dỗ, lừa phỉnh, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm, tìm chồng, sau đó đưa họ ra thành phố hoặc đưa qua biên giới bán cho các ổ mại dâm, cho người nước ngoài lấy làm vợ… Đối với trẻ em thì bọn tội phạm dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt, bắt cóc, dụ dỗ, lừa đảo… rồi bán cho người nước ngoài làm con nuôi, bán qua biên giới để bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục… Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, nhưng một số gia đình vì vài lý do đã không trình báo, tố giác nên tội phạm MBN vẫn còn “đất” để hoạt động.
Cũng theo ông Nguyễn Nhàn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp nào là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của một số bộ phận người dân còn hạn chế, dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên họ dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo bán ra nước ngoài.
Chị Rơ Ô H Nhoen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) cho biết: Tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về phòng chống MBN vào các buổi sinh hoạt hàng tháng của các chi hội phụ nữ thôn, buôn để chị em hiểu, nâng cao cảnh giác với những người vãng lai, đến địa phương để lôi kéo, xúi giục, dụ dỗ trẻ em gái, phụ nữ đi làm ăn xa...
Để vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng chống MBN, các sở, ban ngành, hội đoàn thể trong tỉnh cần liên tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống MBN; ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các cơ quan báo chí, đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường chuyên mục, tin, bài tuyên truyền về phòng, chống MBN phù hợp các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương, nhất là tuyên truyền việc triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện chương trình phòng chống MBN giai đoạn 2021-2025 và nhân Ngày toàn dân phòng chống MBN (30/7).
Sở LĐ-TB-XH đã chủ động triển khai bộ tài liệu hướng dẫn thực hành chuyển tuyến, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh |
KIM CHI