Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, người thanh niên ấy đã tiếp bước cha, thoát ly tham gia kháng chiến. Mưu trí và gan dạ, anh đảm nhận vị trí xã đội trưởng. Trong một chuyến công tác, anh ngã xuống trên đất mẹ Hòa Quang.
Tấm gương chiến đấu và sự hy sinh anh dũng của anh đã tạo nhiều cảm xúc để ông Lê Hữu Phước, nguyên Trưởng đoàn Văn công của Phú Yên, sáng tác bản bài chòi Mai Văn Lâm.
Người con của quê hương Hòa Quang
Liệt sĩ Mai Văn Lâm là người con thứ năm trong một gia đình 8 người con, có truyền thống yêu nước. Mẹ anh, bà Lê Thị Trà, trở thành cơ sở cách mạng khi mới 16 tuổi. Cha anh, ông Mai Hắc Chánh, tham gia kháng chiến, từng bị quân Pháp bắt giam. Sau đó, từ Phú Lộc (khi ấy thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế), cha mẹ anh di cư vào Quảng Ngãi rồi đến Phú Yên, xem Hòa Quang (nay thuộc huyện Phú Hòa) là quê hương thứ hai của mình. Tại đây, ông bà tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, ông Mai Hắc Chánh thoát ly lên căn cứ. Đầu năm 1968, trong một chuyến công tác về làng, ông Chánh hy sinh. Cuối năm 1968, anh Mai Văn Lâm thoát ly, tham gia kháng chiến.
Là người ít nói, gan dạ, mưu trí, anh Mai Văn Lâm lập nhiều chiến công, được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đảm nhận vị trí Xã đội trưởng Hòa Quang. Một ngày đầu năm 1971, anh Lâm nhận nhiệm vụ bảo vệ đoàn công tác đi về cơ sở. Ông Lê Văn Lục, khi đó là cán bộ tuyên huấn tỉnh được phân công về huyện Tuy Hòa 2, thường xuyên bám cơ sở, nắm tình hình địch, nhớ lại: “Đoàn công tác có 10 cán bộ huyện và xã, trong đó có tôi, trú trong hầm bí mật gần 10 ngày tại thôn Đại Phú, xã Hòa Quang. Đêm 28/1/1971, đoàn công tác trở về căn cứ, đi đến Gò Đình thì rơi vào ổ phục kích của địch. Mai Văn Lâm hy sinh, một người khác bị thương. Tôi bị 2 viên đạn, một viên trúng ba lô sau lưng bể nát cái radio, một viên trúng báng súng K54 mang bên hông nên không bị thương”.
Cuộc chạm trán lúc rạng sáng tại Gò Đình thuộc thôn Phú Thạnh, xã Hòa Quang kết thúc; đoàn công tác trở về căn cứ an toàn.
Sau nửa thế kỷ, ông Lê Văn Lục (ở phường 3, TP Tuy Hòa) vẫn nhớ lần bị phục kích đó và người đồng chí mãi mãi không trở về. “Mai Văn Lâm là một xã đội trưởng mưu trí, dũng cảm, được mọi người yêu mến”, ông Lục cho biết.
Không thể nào kể xiết nỗi đau của gia đình liệt sĩ Mai Văn Lâm, khi quân địch đem thi thể đầy thương tích của anh bỏ tại chợ Hòa Quang - nơi mẹ anh ngày ngày bán hàng. Từ sáng đến chiều, chúng không cho ai đến gần. Mẹ anh đau đến chết đi sống lại. 5 giờ chiều, sau khi lính rút đi, bà con trong xóm xúm lại, giúp gia đình an táng. Liệt sĩ Mai Văn Lâm yên nghỉ tại Gò Quýt, xã Hòa Quang - nơi cha mẹ anh chọn làm quê hương thứ hai và góp sức mình, góp máu xương mình cho đại cuộc.
Đi vào câu hát cổ vũ tinh thần chiến đấu
Tấm gương chiến đấu và sự hy sinh của liệt sĩ Mai Văn Lâm đã tạo nhiều cảm xúc để ông Lê Hữu Phước, nguyên Trưởng đoàn Văn công của Phú Yên trong kháng chiến sáng tác bản bài chòi Mai Văn Lâm. Bản nhạc không chỉ nói về truyền thống đấu tranh kiên cường của mảnh đất Hòa Quang, của gia đình liệt sĩ Mai Văn Lâm mà còn tái hiện chiến công của người đã ngã xuống giữa tuổi xuân phơi phới:
“… Đẹp thay trong chiến công anh
Chống càn Phú Thạnh có Lâm dẫn đường
Tám tên lính ngụy tan xương
Sáu tên ngụy khác bị thương trận này
Thu đài và súng cầm tay
Bảo an khiếp vía tớ thầy hoảng kinh”.
Và kể lại chuyến công tác cuối cùng của xã đội trưởng gan dạ:
“Đêm 28 tháng 1 vừa rồi
Đi đầu anh dẫn mười người về trên
Bỗng đâu súng nổ vang rền
Bảo an phục kích gần bên Gò Đình.
Tả xung hữu đột một mình
AK Lâm bắn đội hình ngụy quân…”
Trong bản bài chòi Mai Văn Lâm, ông Lê Hữu Phước kêu gọi bà con biến đau thương, mất mát thành hành động cách mạng:
“Hãy đứng lên đồng bào ơi
Thương Lâm ta hãy vạn người đứng lên!
Ai là con cháu Lạc Hồng
Noi gương của Mai Văn Lâm sáng ngời
Cho Hòa Quang lúa mãi xanh tươi
Tuy Hòa giải phóng vạn người ấm no”.
Đất nước thanh bình; bao gia đình sum họp. Trong nỗi nhớ chồng và con trai mãi mãi không về, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trà tự hào khi gia đình bà đã đóng góp công sức và cả máu xương vào công cuộc nối liền một dải non sông.
Mai Văn Lâm là một xã đội trưởng mưu trí, dũng cảm, được mọi người yêu mến.
Ông Lê Văn Lục, nguyên cán bộ tuyên huấn tỉnh được phân công về công tác tại huyện Tuy Hòa 2 |
YÊN LAN