Nếu trước đây, chính sách dân số luôn nhấn mạnh mục tiêu giảm sinh, nhưng khi triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, mục tiêu của chính sách dân số mới là duy trì mức sinh (mỗi bà mẹ có 2 con). Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đóng vai trò quan trọng.
Mục tiêu của tỉnh phấn đấu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển tỉnh nhà nhanh, bền vững.
Đảm bảo nhu cầu cung cấp các loại dịch vụ
Trong thời gian qua, tỉnh đã củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng bảo đảm các cơ sở y tế tuyến huyện cung cấp được các loại dịch vụ KHHGĐ, các cơ sở y tế tuyến xã cung cấp các dịch vụ KHHGĐ cơ bản.
Hiện nay, quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn còn rất cao, nhu cầu về cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ vẫn rất lớn. Trong năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai gói dịch vụ KHHGĐ cho 51.792/49.175 người, đạt 105,3%; gói dịch vụ làm mẹ an toàn đã thực hiện cho gần 5.000 phụ nữ mang thai đến khám...
Đạt được tỉ lệ trên là nhờ tỉnh đã đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ theo hướng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng; huy động các thành phần kinh tế tham gia tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện và dịch vụ tránh thai; mở rộng khả năng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sức khỏe sinh sản (CSSKSS), sức khỏe tình dục thân thiện với thanh niên; mở rộng và kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số. Đồng thời đẩy mạnh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ; tăng nhanh số lượng phương tiện tránh thai qua kênh tiếp thị xã hội; triển khai, mở rộng tiếp thị xã hội, xã hội hóa về hàng hóa, dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.
Trong năm 2020, tỉnh cũng đã quản lý, bảo quản, vận chuyển, cấp phát, phân phối thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất trong dịch vụ KHHGĐ và các loại phương tiện tránh thai miễn phí, tiếp thị xã hội kịp thời và đầy đủ cho các huyện, thị xã, thành phố; cung cấp đầy đủ các phương tiện tránh thai, tiếp thị xã hội theo đúng kế hoạch để phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ thường xuyên, đảm bảo nhu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để hoạt động KHHGĐ được bao phủ rộng và đạt hiệu quả cao, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình “Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030” với mục tiêu bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện có chất lượng các dịch vụ KHHGĐ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng. Tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 55% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. Trên 95% cấp xã tiếp tục triển khai việc cung ứng các biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố vào năm 2025 và duy trì năm 2030. Trên 95% cấp huyện cơ sở y tế cung cấp dịch vụ KHHGĐ và trên 95% cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, sử dụng biện pháp tránh thai, hệ lụy của phá thai, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030.
Để thực hiện có hiệu quả chương trình trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như triển khai thực hiện các chính sách về DS-KHHGĐ; đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ. Vận động, phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, buôn, người uy tín trong cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông. Tư vấn tại cộng đồng về tình dục an toàn, hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, theo dõi, quản lý đối tượng và cung cấp biện pháp tránh thai phi lâm sàng tại cộng đồng. Mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; triển khai thí điểm mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ KHHGĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình; huy động toàn bộ hệ thống y tế, dân số tham gia thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở, vùng khó khăn có mức sinh cao...
Theo kế hoạch thực hiện chương trình “Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030”, toàn tỉnh phấn đấu 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh tại cộng đồng. Tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 50% năm 2025, đạt 55% năm 2030 và giảm 2/3 số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn. |
LÊ VĂN BI
Trưởng Phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ