Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là, một số chính sách về trẻ em chưa được quan tâm tham vấn ý kiến trẻ em, đặc biệt là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã và đội ngũ cộng tác viên trẻ em ở thôn, buôn, khu phố đều là cán bộ kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên. Do đó rất khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách, cũng như tổng hợp báo cáo để đảm bảo cho các hoạt động của công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hiệu quả thật sự cao. Nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động thúc đẩy quyền trẻ em vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động đề ra. Trẻ em được tham gia diễn đàn trẻ em các cấp còn hạn chế về số lượng, số lần tham dự, đặc biệt diễn đàn trẻ em cấp xã hầu như không tổ chức được. Đa số các địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch kinh phí cho mô hình câu lạc bộ QTGCTE do thiếu các văn bản hướng dẫn nội dung chi cụ thể…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên, một phần do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em không ổn định, thiếu về số lượng, chưa nhiệt tình trong công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở dịch vụ hỗ trợ trẻ em chưa được xây dựng, nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động ở cấp cơ sở còn thiếu. Trẻ em vùng nông thôn, dân tộc thiểu số còn có rào cản về ngôn ngữ, điều kiện kinh tế - xã hội, nên việc tiếp cận thông tin, tham gia vào các hoạt động, mô hình quyền tham gia còn hạn chế...
Để hạn chế những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện QTGCTE, cần chú trọng nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm QTGCTE cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, đồng thời chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cha mẹ và học sinh. Xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện QTGCTE. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ phụ trách trẻ em, giáo viên tổng phụ trách Đội tham gia các lớp tập huấn, các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện QTGCTE...
THANH PHƯƠNG