Tiếp nối thành công của mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học, Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường theo hướng toàn xã cùng phân loại, tái chế rác thải. Trước mắt, hội thí điểm tại thôn Ngọc Phước 2 với mô hình Cụm dân cư phân loại, giảm thiểu rác, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy.
Nhiều tiềm năng
Sau một thời gian thực hiện mô hình sản xuất nước rửa chén sinh học, để việc phân loại rác nhân rộng ra mọi đối tượng, trở thành nếp sinh hoạt văn minh trong từng gia đình, Hội LHPN xã Bình Ngọc tiếp tục triển khai mô hình tái chế rác thải thành phân hữu cơ (phân compost). Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc, cho biết: Hội chọn thôn Ngọc Phước 2 vì đây là nơi sinh hoạt của CLB Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học. Người dân đã “mắt thấy tai nghe” được lợi ích của việc phân loại, tái chế rác nên ủng hộ nhiệt tình mô hình mới. Lợi ích nữa là nguồn rác thải hữu cơ dồi dào đảm bảo nguyên liệu ổn định cho sản xuất phân bón.
Cụ thể, thôn có 247 hộ thì trên 70% hộ lấy sản xuất nông nghiệp (trồng rau màu) là nguồn thu nhập chính. Mỗi ngày lượng rác là gốc, lá rau… từ 800-1.000kg cộng với lượng bã từ mỗi mẻ tái chế vỏ trái cây làm nước tẩy rửa từ 500-1.000kg/tháng. Nguồn thải sau khi được tận dụng tạo ra phân compost sẽ là nguồn phân hữu ích phục vụ sản xuất rau màu sạch, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại vừa giải quyết được vấn đề rác thải.
Khi nói về việc dùng rác thải làm phân hữu cơ, ông Nguyễn Ngọc Anh ở xã Bình Ngọc cho hay: Rác từ rau nếu sau một ngày không được thu gom sẽ phát sinh mùi hôi thối, gây mất vệ sinh môi trường. Nay rác thành phân hữu cơ bón cho cây sẽ vừa giúp đường làng ngõ xóm sạch đẹp mà người dân cũng bớt được tiền mua phân thuốc.
Chia sẻ thêm về ý tưởng mở rộng mô hình, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng nói: Tại địa phương, lượng rác để làm nguyên liệu cho sản xuất nước tẩy rửa không nhiều, trong khi đó lượng rác từ hoạt động sản xuất nông nghiệp lớn. Muốn hình thành thói quen phân loại rác trong dân và hạn chế sử dụng túi ni lông cần một mô hình gần với đời sống thực tế. Từ đây, hội đã quyết định triển khai mô hình này.
Cần được hỗ trợ
Bà Hồng cho biết thêm: Ngay từ khi làm mô hình nước rửa chén, chị em đã sử dụng bã vỏ trái cây sau chế biến để ủ thành phân, nhưng chỉ ủ thủ công, dồn đống lại phủ bạt lên, trông rất mất mỹ quan làng nghề. Khi biết Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cải tiến thùng ủ rác thành phân compost với kiểu dáng thẩm mỹ và thành công ở xã Hòa An, chúng tôi muốn mua các thùng ủ này nhưng do kinh phí hạn chế nên mong muốn các cơ quan hỗ trợ. Với mô hình ở thôn Ngọc Phước 2, hội cần khoảng 40 thùng đặt tại các hộ đang sản xuất rau để thực hành phân loại rác. Đồng thời, để lồng ghép tuyên truyền hạn chế sử dụng túi ni lông và hướng tới đô thị giảm nhựa, chị em đưa vào sửdụng túi lưới thay túi ni lông đi chợ hàng ngày. Hội cũng mong được hỗ trợ thêm 100 túi lưới.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện thành viên CLB Tái chế chất thải hữu cơ thực vật thành nước tẩy rửa sinh học là lực lượng tình nguyện nòng cốt của xã Bình Ngọc trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại, giảm thiểu rác thải. Thực tế ở đây, thói quen phân loại, tái chế rác thải và từ chối túi ni lông khó phân hủy còn nhiều hạn chế. Người dân chưa tận dụng được nguồn rác hữu cơ dồi dào từ làng nghề trồng hoa, rau để tái chế thành phân compost, nguyên nhân là do chưa nắm chắc kỹ thuật ủ phân, thiếu phương tiện ủ có tính thẩm mỹ, chưa biết đến các sản phẩm thay thế túi ni lông có tính tiện dụng cao có sẵn trên địa bàn tỉnh. Với những điều kiện thuận lợi hiện có ở xã như sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự phát triển của làng nghề trồng hoa màu, lực lượng tình nguyện hoạt động nhiệt huyết, đảm bảo việc nhân rộng mô hình theo hướng “Cụm dân cư phân loại, giảm thiểu rác, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy” mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, nên việc tiếp tục hỗ trợ mô hình là cần thiết.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, với những điều kiện thuận lợi hiện có ở xã như sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, sự phát triển của làng nghề trồng hoa màu, lực lượng tình nguyện hoạt động nhiệt huyết, đảm bảo việc nhân rộng mô hình theo hướng “Cụm dân cư phân loại, giảm thiểu rác, hạn chế sử dụng túi ni lông khó phân hủy” mang lại hiệu ứng tích cực cho cộng đồng, nên việc tiếp tục hỗ trợ mô hình là cần thiết. |
MINH DUYÊN