Trong những năm qua, ngành LĐ-TB-XH từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý và điều tiết thị trường lao động. Trên cơ sở chính sách của Nhà nước, tỉnh đã cụ thể hóa từng chính sách về việc làm để tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển công khai, lành mạnh.
Để người lao động (NLĐ) nông thôn có nhiều việc làm mới, ở những ngành nghề phi nông nghiệp khác bền vững hơn, cải thiện thu nhập và đời sống..., tỉnh đã xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động - việc làm giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình phù hợp với sự vận hành của cơ chế thị trường, để đến năm 2025 tỉ lệ lao động ngành Công nghiệp - xây dựng và ngành Dịch vụ chiếm tỉ trọng đa số so với ngành Nông nghiệp như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
Đáp ứng cung, cầu nguồn lao độn
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, những năm qua, kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng; vốn đầu tư trong nước và nước ngoài tăng; cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từng bước chuyển dịch theo hướng lao động khu vực nông nghiệp chuyển dần sang lao động khu vực phi nông nghiệp, hoặc đến khu vực khác để có việc làm và quá trình đô thị hóa, NLĐ phải chuyển đổi nghề. Vì vậy, các quy luật của thị trường lao động cũng luôn vận hành và phát triển theo các quy luật của thị trường kinh tế.
Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động - việc làm giai đoạn 2021-2025 là một chương trình kinh tế - xã hội mang tính toàn diện, được triển khai thông qua hệ thống chính sách cụ thể. Vì thế cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các tổ chức hội, đoàn thể và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của chính NLĐ; tạo công ăn việc làm ổn định cho nhân dân, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đến tháng 12/2019, dân số toàn tỉnh là 873.164 người; trong đó, nữ 452.200 người, chiếm 51%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 521.100 người. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế 510.130 người. Nguồn cung lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay đông, chủ yếu là lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thu nhập thấp và thiếu việc làm; một bộ phận lao động từ khu vực nông nghiệp có nhu cầu chuyển sang làm việc khu vực phi nông nghiệp, nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…
Tuy nhiên, lao động qua đào tạo chưa phát triển theo kịp với yêu cầu công nghiệp hiện đại trong thời kỳ công nghệ 4.0, thiếu lao động chất lượng cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn (công nghệ phần mềm, tự động hóa, maketing, du lịch...). Một bộ phận lao động kỹ thuật có kỹ năng, nhưng kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp còn hạn chế, nhất là tác phong làm việc theo nhóm chưa cao.
Hiện nay, nhu cầu về lao động có xu hướng tăng do chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần và tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ổn định. Tuy nhiên, tốc độ tăng cầu lao động thấp hơn so với tốc độ tăng cung lao động, dẫn đến tình trạng di cư lao động đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm. Bình quân hàng năm có khoảng 7.000 người đến địa phương khác để tìm kiếm việc làm. Nhu cầu lao động tăng ở ngành Công nghiệp - dịch vụ và có xu hướng giảm ở ngành Nông nghiệp. Dịch vụ - thương mại là ngành có quy mô cầu lao động cao nhất, sau đó là các ngành chế biến, may mặc, sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Bên cạnh đó, thị trường việc làm ở nước ngoài hiện nay rất phong phú về ngành nghề; thị trường lao động Phú Yên tham gia trong các năm qua là Hàn Quốc, Nhật Bản… Giai đoạn 2016-2020, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân 375 người/năm. Trong đó, người lao động tự liên hệ với các doanh nghiệp chiếm khoảng 70%. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về cung cầu lao động.
Người tìm việc, việc tìm người
Thực tế hiện nay, kênh giao dịch tại các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh chưa đáp ứng đủ yêu cầu. NLĐ tiếp cận qua các dịch vụ chưa được nhiều. Hệ thống thông tin thị trường lao động kết nối cung - cầu chưa đồng bộ. Do đó, vị trí việc làm cần tuyển thông qua quan hệ cung - cầu lao động người tìm việc, việc tìm người chưa đa dạng, phong phú.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường lao động theo hướng đồng bộ, hiện đại; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hiện đại, thống nhất trên toàn quốc và từng bước kết nối với các nước trong khu vực, trên thế giới; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công về lao động, kết nối việc làm trên nền tảng kỹ thuật số; hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm, tỉnh đã xây dựng giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động và việc làm giai đoạn 2021-2025.
Giải pháp này sẽ tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động Phú Yên với thị trường lao động các tỉnh, thành trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025; tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ, phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 21,6% vào năm 2025, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,3% lực lượng lao động. Tỉnh tập trung đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin...
Để đạt các mục tiêu trên, Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp như: Nâng cao năng lực hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm. Phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Yên và của cả hệ thống dịch vụ việc làm. Nâng cao năng lực trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường lao động, xây dựng hệ thống mạng kết nối các trung tâm dịch vụ việc làm. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm thường xuyên, nhằm tăng số lượng lao động có việc làm mới và nâng cao chất lượng việc làm. Kết nối cung - cầu lao động thông qua chính sách hỗ trợ truyền thông. Hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm trong nước. Hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp. Hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là thân nhân gia đình có công với cách mạng, người khuyết tật, phụ nữ nghèo nông thôn và dân tộc thiểu số...
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30% vào năm 2025; tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ, phấn đấu duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%...
VÕ VĂN BINH
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH