Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, trong đó tác động đến trẻ em. Thay vì đến trường, các em phải ở nhà, học trực tuyến… Sự xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày kéo theo nhiều mối đe dọa cho sự an toàn cũng như cuộc sống của trẻ.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp do xuất hiện biến thể mới của vi rút có tốc độ lây lan nhanh hơn. Do đó, những vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19 cần được quan tâm, với những giải pháp kịp thời và lâu dài.
Nhà hảo tâm thăm, tặng quà cho trẻ em bị tai nạn thương tích trong mùa dịch COVID-19. Ảnh: HOÀNG LÊ |
Áp lực khi con trẻ ở nhà
Tác động của đại dịch COVID-19 tới trẻ em có thể thấy ở những vấn đề trực tiếp như sức khỏe, học tập hoặc từ tác động do sinh kế của cha mẹ ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Trong thời gian tham gia học trực tuyến, trẻ em cũng gặp rủi ro trên môi trường mạng, đặc biệt là nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng bởi không ít người lớn gặp khó khăn khi giám sát trẻ sử dụng thiết bị điện tử...
Chị Diệp Lan ở phường 4, TP Tuy Hòa chia sẻ: “Tôi có 2 con học ở Trường tiểu học Trưng Vương. Những ngày trước, trong và sau Tết vừa qua thật sự là khoảng thời gian dài nhất từ trước đến nay với tôi. Phần vì công việc, phần vì con ở nhà nên việc quản lý, chăm sóc chúng rất khó khăn. Các cháu học trực tuyến thì khó kiểm soát và không hướng dẫn được vì không thể bên chúng suốt ngày”.
Em Đỗ Trọng Tín, học sinh Trường THCS Hùng Vương, cho hay: “Thời gian nghỉ học ở nhà, ngoài đọc sách, phụ cha mẹ công việc nhà, thỉnh thoảng em cũng xem điện thoại, sử dụng mạng internet để giải trí, nhưng người lớn vẫn cứ rầy la, áp lực lắm!”.
Không chỉ trẻ em sống ở thành thị, trẻ em vùng sâu vùng xa, đang học tập trung ở các trung tâm bảo trợ xã hội, mái ấm tình thương, cũng là một trong những nhóm đối tượng chịu nhiều tác động của dịch COVID-19.
Theo bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, hiện tượng trẻ em bị lạm dụng, quấy rối khi học trực tuyến đã được Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cảnh báo. Chưa kể, nhóm trẻ em khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số bị thiệt thòi khi gián đoạn việc học do không tiếp cận được công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trong mùa dịch bệnh, các vụ tai nạn thương tích của trẻ em có xu hướng tăng lên. Đó là những trường hợp trẻ em bị bỏng, ngã, thương tích… do đùa nghịch khi người lớn không chú ý.
Bảo đảm an toàn cho trẻ em
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 232.000 trẻ em, chiếm hơn 20% dân số. Vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch COVID-19 đều cần được quan tâm với những giải pháp kịp thời và lâu dài. Với phương châm hành động trong phòng, chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ “Không một ai bị bỏ lại phía sau”, đối với phụ nữ và trẻ em, họ không những không bị bỏ lại mà còn được ưu tiên chăm sóc.
Trước mắt, cùng với gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch, Bộ LĐ-TB-XH đã công bố đường dây nóng qua Tổng đài 111 tiếp nhận giải đáp những vấn đề vướng mắc khi thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong đó, đối tượng trẻ em thuộc diện bảo trợ xã hội. Các gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có người bị mất việc… do dịch bệnh COVID-19 có thắc mắc đều có thể gọi điện để được hỗ trợ và giải đáp chính sách kịp thời.
Cục Trẻ em cũng đã chủ động xây dựng các thông điệp truyền thông phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em trong giai đoạn đi học để kịp thời tuyên truyền tới gia đình, cộng đồng và nhà trường. Đồng thời đề nghị các địa phương bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em.
KIM CHI