Thứ Ba, 01/10/2024 14:26 CH
Sông Hinh: Chú trọng đào tạo nghề cho người lao động
Thứ Tư, 24/02/2021 14:46 CH

Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Sông Hinh chọn nghề dệt thổ cẩm khi tham gia các lớp đào tạo nghề. Ảnh: KIM CHI

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNCLĐNT) luôn được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Sông Hinh chú trọng, triển khai, kết quả ngày một nâng lên rõ rệt. Đây là cơ sở cung cấp nguồn lao động tại chỗ có tay nghề, đủ trình độ cả về tiêu chuẩn và chuyên môn nghiệp vụ để tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện miền núi này.

 

Có nghề, có thu nhập

 

Ông Trần Trung Tính, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sông Hinh cho biết: ĐTNCLĐNT là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án ĐTNCLĐNT đến năm 2020 với mục tiêu đào tạo khoảng 1 triệu người mỗi năm, giúp họ tăng thu nhập, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp...

 

Giai đoạn 2010-2020, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sông Hinh đã phối hợp tuyển sinh và mở 135 lớp ĐTNCLĐNT, với hơn 4.100 người đăng ký theo học. Trong đó, học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số hơn 3.000 người, chiếm 74%. Thông qua chương trình ĐTNCLĐNT, người dân đã thay đổi nhận thức, nắm bắt kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của huyện.

 

Anh Nay Y Nen, 32 tuổi, ở buôn Ken, xã Ea Bá, cho biết: “Từ lúc còn thanh niên, tôi rất thích nghề sửa chữa xe máy. Nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi không có tiền để học nghề tư nhân. Bản thân tự mày mò học lóm, rồi gom góp tiền mua dụng cụ, đồ nghề để trong buôn ai có nhu cầu sửa xe thì tôi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2013, Trung tâm GDNN-GDTX mở lớp nghề sửa chữa máy kéo công suất nhỏ, tôi rất mừng. Tôi và các thanh niên trong buôn được tham gia lớp học miễn phí. Sau 3 tháng học nghề chăm chỉ, tôi hoàn thành khóa học và bắt đầu nghề sửa chữa xe công nông”.

 

Từ chỗ chỉ sửa chữa nhỏ, giúp bà con trong buôn, nhờ tham gia lớp ĐTNCLĐNT mà hiện nay, Nay Y Nen đã là chủ cơ sở sửa chữa xe các loại trong xã; đồng thời anh còn dạy lại cho các thanh niên muốn học nghề. Anh cũng sửa xe miễn phí cho bà con nghèo, khó khăn trong buôn. “Tuy thu nhập của nghề này không cao nhưng tôi rất mừng vì đã có một nghề nghiệp, công việc ổn định. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn đến công tác ĐTNCLĐNT, nhất là thanh niên vùng sâu vùng xa để họ có nghề trong tay, tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định”, Nay Y Nen nói.

 

Còn anh Y Zum ở thôn Dành B, xã Ea Bia, sau khi học lớp phòng trị bệnh cho đàn trâu bò, đã nắm bắt được kiến thức chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò. Trước đây khi bò bệnh, Y Zum chỉ biết ra hiệu thuốc để mua thuốc, còn bây giờ anh biết phát hiện, chữa trị các loại bệnh thường gặp ở trâu bò như tụ huyết trùng, tiêu chảy... Nhờ biết cách chăm sóc mà đàn bò anh ngày một phát triển béo tốt. Còn khi xảy ra dịch bệnh, anh biết mua loại thuốc phù hợp về điều trị. Ngoài thức ăn có sẵn trong tự nhiên, anh còn trồng cỏ đảm bảo thức ăn đủ dinh dưỡng cho bò và cho thêm thức ăn phụ như bột mì, bột gạo. Bên cạnh các nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp như lúa, sắn, gia đình Y Zum hiện có 5 con bò phát triển tốt, là “của để dành” để gia đình tích lũy.

 

Lấy học viên làm trung tâm

 

Để đạt được kết quả trong công tác ĐTNCLĐNT, ông Trần Trung Tính cho biết: Hàng năm, trung tâm phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác ĐTNCLĐNT đến mọi người dân trong độ tuổi lao động. Qua đó giúp người dân nhận thức được lợi ích của việc học nghề. Trong quá trình tuyển sinh, trung tâm luôn ưu tiên các đối tượng lao động là gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, người khuyết tật, giúp họ có nghề để vươn lên trong cuộc sống.

 

Chúng tôi đến thăm gia đình Mí Nhơn, hộ nghèo ở buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng. Bên khung cửi, Mí Nhơn vừa dệt vừa cho biết, chị học nghề dệt thổ cẩm ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sông Hinh cuối năm 2015. “Mình học nghề vừa để bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc, vừa tranh thủ thời gian dệt quần áo, khố trong gia đình, nếu rảnh rỗi thì dệt bán sản phẩm theo đơn đặt hàng. Vì được học nghề miễn phí nên mình mạnh dạn đi học. Dệt xong mỗi sản phẩm áo nam bán được khoảng 2 triệu đồng, còn áo nữ là 1,5 triệu đồng. Nguyên liệu chỉ khoảng 100.000 đồng, nhưng để dệt xong một chiếc áo mất rất nhiều thời gian và công sức”, Mí Nhơn cho biết.

 

Theo ông Trần Trung Tính, qua 10 năm thực hiện chương trình ĐTNCLĐNT trên địa bàn huyện, trung tâm luôn sử dụng tốt phương pháp giảng dạy như “lấy học viên làm trung tâm”, ưu tiên giảng dạy thực hành dễ nhớ, dễ học để học viên tiếp thu tốt hơn, qua đó ứng dụng vào thực tiễn cũng nhanh hơn. Nhiều đơn vị đã xây dựng được mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất được triển khai, ứng dụng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nông lâm sản và thu nhập của người dân nông thôn.

 

“Việc đào tạo phải phối hợp chặt chẽ giữa 3 yếu tố nhà quản lý - doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm - người lao động học nghề để gắn nhu cầu người học và đầu ra. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tuyển sinh và mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân để sau khi học nghề họ có thể tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn”, ông Tính nói.

 

Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm nhiều hơn đến công tác ĐTNCLĐNT, nhất là thanh niên vùng sâu vùng xa để họ có nghề trong tay, tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.

 

Anh Nay Y Nen ở buôn Ken, xã Ea Bá

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek