Thứ Năm, 03/10/2024 05:31 SA
Đồ Tết và bài học tiết kiệm cho con
Thứ Bảy, 23/01/2021 12:02 CH

Mua quần áo Tết cho con trong khả năng tài chính của gia đình là cách để ba mẹ dạy trẻ bài học về sự tiết kiệm. Ảnh: NGỌC QUỲNH

Đã có lời khuyên, khi đi mua sắm quần áo Tết, điều trước tiên phải làm là xem khả năng kinh tế của mình ở mức nào, rồi lên kế hoạch mua bao nhiêu và phải tuân thủ kế hoạch đó.

 

Đi sắm đồ Tết cho con, bố mẹ thường mang con theo để hỏi ý kiến và thử quần áo. Trẻ con nếu được chiều sẽ được nước lấn tới. Đừng nghĩ đồ trẻ con không bao nhiêu. Ngó vậy mà tốn lắm, tâm lý quần áo Tết phải đẹp, có tiết kiệm cũng chọn hàng chất lượng chứ không quá rẻ. Đó là quần áo, còn mũ, giày thường không mua nhiều nên ưu tiên hàng tốt, trong khi đồ con nít, muốn đẹp thì giá đâu có rẻ, nên đừng coi thường khoản chi quần áo Tết.

 

Những người bạn của tôi, ai cũng bảo có một đứa con nên Tết về sắm vài ba bộ đồ mới, mà phải hàng ở shop. Các bạn kêu hàng chợ rẻ hơn, cũng mẫu mã như vậy nhưng mặc không đẹp. Tết cơ bản là để trẻ con vui, nên không bận tâm khoản mua sắm đó. Như sáng nay vào lớp, các em học sinh lớp 7 nói chuyện đồ Tết, tôi hỏi, thế các em đã có đồ Tết hết chưa thì một em bảo, lớp mình bạn T nhiều quần áo Tết nhất, tới bảy, tám bộ.

 

Đó là chuyện ngoài ngõ, còn như chị tôi nhà có hai đứa con gái, dù thu nhập vợ chồng chị không cao nhưng Tết đến, con chị vẫn sang chảnh như con nhà đại gia, lung linh từ đầu đến chân. Không chỉ quần áo, mũ, giày, chị còn sắm hoa tai, dây chuyền, lắc tay, lắc chân, túi đeo… Mẹ tôi thấy cháu gái xinh như mộng, ôm vào lòng cưng nựng nhưng rồi lại thở dài.

 

Kinh nghiệm nuôi chín đứa con của mẹ cho thấy chị tôi mua sắm mát tay quá nên rầu, nếu tôi đem kể chuyện chị phải mượn thêm tiền để tiêu Tết chắc mẹ sẽ chảy nước mắt vì lo. Tôi thấy chị gái hào phóng với khoản quần áo của con, cũng xót nhưng không dám nói, vì bản thân cũng từng mắc lỗi. Tôi hiểu tâm lý thương con, nếu ai khuyên can hãy bơn bớt vì con thì sẽ không nghe, có khi còn nổi giận nên thôi. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, chị sẽ nhận ra cái sai của mình rồi tự điều chỉnh.

 

Như bản thân tôi, một thời với ý nghĩ muốn bù đắp cho con sau đổ vỡ nên thường rất hào phóng những khoản chi cho con, đặc biệt là đồ Tết. Tôi có thể chắt mót, tằn tiện từng đồng tiền khó nhọc, nhưng để chi mua đồ cho con, tôi thường không tiếc tiền. Sau này, gặp một người bạn, người đó thức tỉnh tôi về việc yêu thương mù quáng sẽ vô tình dạy con bài học phung phí, không biết tiết kiệm, nếu nó định thành tính cách, sau này con lớn sẽ ra sao?

 

Sống hoang phí, không biết quý những giọt mồ hôi, sẽ làm sao khi sống với phong cách “con nhà lính tính nhà quan”, liệu mình có lo được cho con mãi? Trước câu hỏi đó, tôi giật mình, và thay đổi. Không thể thay đổi 180 độ vì con sẽ không quen với sự thay đổi bất ngờ đó.

 

Tôi chọn cách thay đổi từ từ, năm trước bốn bộ đồ Tết thì năm sau còn hai bộ, rồi giảm còn một bộ. Tôi nói rõ với con lý do, nay con đang ngày một lớn lên, cơ thể thay đổi từng ngày nên đừng mua nhiều quần áo mặc một hai lần rồi bỏ. Những món đồ khác như giày, mũ, tôi cũng nói để con hiểu nếu còn dùng được cứ dùng, chừng nào hỏng mẹ sẽ thay mới, đừng quan niệm Tết thì cái gì cũng phải mới.

 

Tôi nói, có những món đồ con bảo cũ nhưng thực chất chưa cũ trong khi còn rất nhiều đứa trẻ không có đồ Tết. Tôi giao con nhiệm vụ soạn lại tủ đồ, những đồ nào còn mặc được nhưng đã chật thì giặt thơm tho, gói cẩn thận để mẹ đem tặng những bạn nhỏ nghèo. Và con, nếu sau này muốn trở thành một người tốt thì từ bây giờ phải học cách tiết kiệm.

 

Tết về, ưu tiên hàng đầu của cha mẹ là mua quần áo cho con. Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ một đến hai con, cuộc sống thong thả, lại thêm tâm lý muốn con mình thật lung linh, sang chảnh trong mấy ngày Tết nên thường rất mát tay mua quần áo cho con. Kết quả, chi phí quần áo Tết cho con tốn một khoản tiền không hề nhỏ.

 

Tôi nghĩ, bài học tiết kiệm là bài học cần thiết để định hình tính cách cho con nên những dịp phải chi tiêu cho việc mua sắm, tôi thường xem đó là cơ hội để dạy con bài học này với mong muốn sau này con sẽ sống chừng mực, biết quý trọng giá trị lao động của mình và của người khác.


BÍCH NHÀN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek