Thứ Năm, 03/10/2024 18:12 CH
Về Thanh Hà ăn ổi VietGAP
Thứ Bảy, 16/01/2021 14:00 CH

Nông dân Liên Mạc (huyện Thanh Hà) thu hoạch ổi sạch. Ảnh: YÊN LAN

Đợt đó, chúng tôi về Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) khi mùa đông đã đến vườn ổi, chạm vào từng chùm quả căng mọng được bao bọc kỹ ngay từ lúc còn bé xíu. Chủ vườn hái một quả căng tròn, mở lớp bao nilon bảo vệ quả ổi khỏi côn trùng, mời khách: Ăn đi, đừng ngại. Ổi sạch đấy!

 

Khách nhìn quả ổi mướt rượt, có chút tần ngần. Là khách đang “đấu tranh” với thói quen ngâm rửa trái cây sau khi mua về. Như “đọc” được sự phân vân của khách, chị chủ vườn cười: Yên tâm, ổi VietGAP đấy! Khách bẽn lẽn cười và cầm quả ổi, cắn một miếng rõ to. Giòn, ngọt, và mát. Đúng như người ta nói, ổi Thanh Hà ngon có tiếng. Ngon hơn cả là khi ăn quả ổi vừa được hái trên cành.

 

Vườn ổi này của vợ chồng chị Lương Thị Cúc ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà. Hai thế hệ trong gia đình chị trồng ổi đã hơn 20 năm. Vợ chồng chị có gần 2.000 gốc ổi, khoảng 7 ngày thì hái một lượt, lúc chín rộ được chừng 700-800kg, nếu không chỉ được 100-200kg, thu hoạch quanh năm. “Cây ổi Thanh Hà quen trời lạnh. Khi trời nóng ẩm, có gió đông, quả ổi không ngon bằng lúc có gió heo may, trời lạnh. Chỉ cần gió heo may 3 ngày, hái quả ổi trên cây ăn sẽ khác”, chị Cúc cho biết.

 

Đương nhiên người trồng ổi không thể cứ ngồi đấy mà chờ gió heo may. Để quả ổi ngon, sản lượng cao thì phải biết cách chăm bón. Chị Nguyễn Thị Hội, chủ một vườn ổi rộng đến 2 mẫu nói rằng các gia đình trồng ổi tự tìm tòi, học hỏi lẫn nhau. Kinh nghiệm được họ tích lũy, đúc kết qua bao năm làm vườn.

 

Chị Cúc, chị Hội đều là thành viên HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ. Vườn ổi VietGAP đương nhiên khác với vườn ổi thường, bởi để quả ổi “chen” vào được trong các siêu thị, những khu vườn nơi đây phải chịu sự giám sát chặt chẽ của đơn vị thu mua, từ khâu bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, dọn vườn đến thu hoạch, đảm bảo thời gian “cách ly” trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các hộ gia đình thành viên HTX tuân thủ quy trình nghiêm ngặt đó.

 

Nói chuyện một lúc mới biết chồng chị Cúc - anh Dương Văn Nam là Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ. Từ một nhóm nông dân bắt tay nhau trồng loại cây quen thuộc của quê nhà, HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ được thành lập vào năm 2017. Không sử dụng thuốc diệt cỏ trong vườn ổi, HTX đã tài trợ xốp cho các thành viên trải trong vườn, tránh cỏ dại; đồng thời chọn mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để cung ứng cho thành viên. Họ ký hợp đồng với một đơn vị cung ứng ổi sạch cho các siêu thị, cửa hàng của VinGroup. Không có kinh nghiệm quản lý, giám sát nên không thể tránh khỏi những khó khăn trắc trở trong buổi ban đầu. HTX từng lao đao đến mức suýt giải thể khi hàng bị siêu thị trả về, HTX bị phạt nặng do một số thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép và không đảm bảo thời gian “cách ly” sản phẩm. Nhiều lần HTX phải chấp nhận bù lỗ, mua sản phẩm của các thành viên với giá cao hơn thị trường. Rồi bà con đã hiểu ra tầm quan trọng của sản phẩm sạch - không chỉ ngon mà phải sạch. Họ tuân thủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn VietGAP và ổi Thanh Hà có chỗ đứng trong siêu thị.

 

HTX Nông nghiệp sạch Nam Vũ có 15ha trồng ổi, với 22 hộ nông dân tham gia, mỗi năm cung cấp khoảng 50 tấn ổi cho hệ thống siêu thị.

 

Thanh Hà vốn nổi tiếng với đặc sản vải thiều. Giá một ký vải thiều đương nhiên cao gấp mấy lần giá một ký ổi. Nhưng nông dân nói rằng vải thiều mỗi năm chỉ có một mùa, cây vải lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thời tiết thất thường thì vải mất mùa. Có năm cả làng mất mùa vải. Cho nên, một số nơi ở Thanh Hà, ổi trở thành cây trồng chính.

 

Liên Mạc là xã trồng ổi nhiều nhất huyện; cả xã có gần 500ha ổi, thu hoạch 6.000-7.000 tấn mỗi năm. Thương lái nhẩm tính từ lần thu hoạch trước đến lần thu hoạch sau, khoảng 7-10 ngày thì gọi điện rồi đến tận vườn mua gom ổi, tiêu thụ khắp các tỉnh miền Bắc. Dân ở đây sống dựa vào vườn ổi. “Nhiều xã trong huyện cũng trồng ổi nhưng ổi ở đây ngon nhất, do đất và do kỹ thuật chăm sóc”, chị Cúc tự hào cho biết. Nghề trồng ổi thịnh từ hơn 10 năm nay.

 

Cây ổi được trồng để kinh doanh khác với những cây ổi lớn lên, ung dung đơm hoa kết trái trong vườn. Nhiều người đã rất ngạc nhiên khi biết cây ổi sẽ chết sau… 4 năm vắt sức ra quả. Tôi nói với chị Cúc rằng cây ổi sau vườn nhà tôi ở quê, hơn 20 năm vẫn sống đấy thôi. “Vì nó phát triển một cách tự nhiên, không bị bấm cành tỉa ngọn, còn những cây ổi này bị “bắt” ra trái phục vụ mình”, “bà” nông dân thuộc thế hệ 8X lý giải. Thường thì sau 4 năm, chủ vườn cải tạo đất bằng cách trồng ngô, đậu tương…, thu hoạch xong thì bừa đất lên và tiếp tục trồng ổi.

 

Và ổi Thanh Hà giòn, ngọt lại đến với mọi miền.

 

Cây ổi Thanh Hà quen trời lạnh. Khi trời nóng ẩm, có gió đông, quả ổi không ngon bằng lúc có gió heo may, trời lạnh.

 

Chị Lương Thị Cúc, người trồng ổi ở huyện Thanh Hà

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek