Thứ Sáu, 04/10/2024 02:27 SA
Tiếp tục hỗ trợ phát triển vùng miền núi, dân tộc thiểu số
Thứ Ba, 22/12/2020 15:00 CH

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ người dân đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, bảo tồn văn hóa… nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân miền núi. 

 

Trao đổi với Báo Phú Yên về những hoạt động trên, ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết:

 

Ông Trương Văn Phương

- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các ngành, địa phương đã thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất… nên đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) không ngừng được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khu vực miền núi đạt 11,5-12%; GDP bình quân đầu người đạt từ 20-26 triệu đồng/người, ở khu vực có đồng bào DTTS đạt gần 18 triệu đồng/người.

 

* Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian qua?

 

- Xác định chính sách dân tộc là nhiệm vụ lâu dài, quan trọng của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, hướng đến mục tiêu “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển”.

 

Nhiều chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS đã phát huy được hiệu quả tích cực như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách hỗ trợ đặc thù cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025; đề án Đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2021…

 

Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào vùng DTTS có những chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi ngày càng phát triển; các công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi. Đời sống văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

 

* Cụ thể, trong năm 2020, Ban Dân tộc đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào để nâng cao đời sống người đồng bào DTTS và miền núi, thưa ông?

 

- Trong năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động nhằm phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa người đồng bào DTTS và miền núi. Tiêu biểu, từ Chương trình 135 dành cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, Phú Yên được phân bổ hơn 29,3 tỉ đồng cho 15 xã, 18 thôn, buôn xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế; duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng; nâng cao năng lực cho các cán bộ cơ sở và cộng đồng…

 

Một hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho học sinh miền núi được tổ chức tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Nhìn chung, các công trình được đầu tư xây dựng đều đạt chất lượng, phát huy hiệu quả; tạo bộ mặt khang trang cho các thôn, buôn, xã đặc biệt khó khăn. Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới cho đồng bào DTTS. Nhờ vậy, các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới, được cung cấp vật tư, giống cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất… nên đã phát huy được hiệu quả kinh tế.

 

Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020 và chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động như văn nghệ, lễ hội, các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động đã được các địa phương, nhà trường nhiệt tình hưởng ứng, thu hút được sự tham gia tích cực của người dân và học sinh.

 

* Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân tộc còn tồn tại những khó khăn gì? Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

 

- Có thể thấy, tình hình kinh tế - xã hội miền núi và đời sống đồng bào DTTS hiện vẫn còn nhiều hạn chế như kinh tế có phát triển nhưng chưa thật sự bền vững; việc tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi chưa đồng bộ; một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt xây dựng đã lâu có tình trạng xuống cấp; còn nhiều trường học chưa được kiên cố hóa. Đội ngũ y, bác sĩ và trang thiết bị y tế các tuyến bệnh viện còn thiếu, không đảm bảo cho việc khám và chữa bệnh tại chỗ cho đồng bào...

 

Phú Yên có 3 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân với 45 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi; có 4 huyện, thị xã có xã miền núi, gồm Tây Hòa, Tuy An, Phú Hòa và TX Sông Cầu. Vùng DTTS và miền núi Phú Yên có 33 dân tộc anh em, trong đó có 32 DTTS. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà.

 Trình độ dân trí của đồng bào DTTS còn thấp; tỉ lệ hộ nghèo còn cao và nguy cơ tái nghèo còn lớn; một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ hẳn. Người dân đồng bào DTTS vẫn chưa chủ động nắm bắt khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất; còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên nguy cơ tái nghèo cao khi kết thúc các chương trình hỗ trợ.

 

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức của một số địa phương về công tác dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện. Một số chính sách dân tộc miền núi chưa được cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của địa phương. Công tác phối hợp của các sở, ngành và địa phương chưa được chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên nên tiến độ triển khai một số chính sách, chương trình, dự án chưa theo đúng tiến độ kế hoạch.

 

* Trong năm 2021, Ban Dân tộc có những đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách cho đồng bào DTTS và miền núi, thưa ông?

 

- Ban Dân tộc đề xuất các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu và xây dựng chính sách đối với vùng DTTS và miền núi mang tính ổn định, lâu dài; hạn chế những chương trình hỗ trợ ngắn hạn, nhỏ lẻ. Cần tăng nguồn vốn cho hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp hộ nghèo có điều kiện tổ chức sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục xem xét bổ sung một số chính sách đối với các hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là chính sách phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa nhà ở tạm, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt... để hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hạn chế tái nghèo.

 

Đề nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp các bộ, ngành Trung ương xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

 

Ngoài ra, Trung ương cần tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án phát triển sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động tại địa phương là người DTTS; có chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa đặc trưng vùng DTTS; có chính sách bồi dưỡng các nghệ nhân tiêu biểu để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc...

 

* Xin cảm ơn ông! 

NGÔ XUÂN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek