Ở TP Tuy Hòa không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đen nhẻm, với những bộ quần áo cũ kỹ và đôi dép mòn vẹt đi theo nhóm 3-4 em ngửa mũ xin tiền, trong đó có những đứa đã trở thành trẻ ăn xin chuyên nghiệp. Nói chuyên nghiệp vì rất dễ gặp lại những trẻ này vài lần trong thành phố.
Có đứa trẻ xin tiền người này nhưng không cho thì nhanh chân đến xin tiền người khác, đứng nài nỉ, kể khổ mong nhận được sự cảm thương.
Chưa hết, để bán được hàng rong, xin được tiền, nhiều đứa trẻ đã trở thành công cụ mưu sinh của người lớn, trong đó phần lớn là cha mẹ dắt theo con để đi xin, bán hàng rong, bán vé số... Đứa nhỏ tuổi thì ngủ gật trên tay mẹ, đứa tật nguyền thì ngồi trên xe lăn, đứa thì chạy lăng xăng năn nỉ thuyết phục khách.
Hình ảnh bé gái tầm 6-7 tuổi theo mẹ đi bán hàng rong ở các quán nhậu vỉa hè khiến tôi trăn trở. Cháu bé phụ mẹ mời chào khách mua hàng. Đôi khi là thuyết phục khách bằng cách xoa bóp, đấm lưng cho khách, hoặc làm bất cứ điều gì khách yêu cầu nhằm bán được hàng. Tôi chứng kiến cảnh người đàn ông đã ngà ngà say ôm cô bé vào lòng, yêu cầu cô bé hôn lên má thì sẽ mua hàng.
Và cô bé đã thực hiện yêu cầu đó rất vô tư, trong khi đó người mẹ vẫn tươi cười bê rổ trái cây đứng bên cạnh. Thấy một vài người nhìn với ánh mắt khó chịu nên một người trong bàn trả tiền để hai mẹ con rời đi. Khi cô bé đến bàn tôi mời mua trái cây, tôi nhắc cô bé sau này không để các chú ôm hôn như vậy nữa, cô bé chỉ cười. Có lẽ cô bé chưa hiểu được ý nghĩ sâu xa của tôi. Mà làm sao một đứa bé có thể hiểu được khi chính mẹ của bé cũng chưa thấy hết những nguy cơ xảy đến đối với con gái mình.
Cũng tại những quán nhậu này, tôi gặp một cậu bé theo cha đi mãi nghệ đường phố. Những màn biểu diễn với dao khá nguy hiểm khiến nhiều người có con nhỏ phải đưa con tránh đi nơi khác.
Vẫn biết kinh tế gia đình khó khăn thì việc các em phụ giúp cha mẹ là điều đáng quý, nhưng việc trẻ phải đối mặt với những nguy hiểm là điều phải tránh. Ông Dự, thực khách tại một quán nhậu, ngao ngán: Không thể chấp nhận được. Cha mẹ không thể dùng con để mưu cầu sự thương hại của người khác. Nhiều khi thấy tội mấy đứa nhỏ nên tôi cho tiền tụi nó. Nhưng nghĩ lại mình làm vậy sẽ vô tình làm cho thực trạng này càng thêm phát triển.
Được biết, số trẻ em lang thang xin ăn sẽ được các lực lượng chức năng đưa về với gia đình để quản lý, giáo dục; những trường hợp trẻ không nơi nương tựa thì gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội để được nuôi dưỡng. Nhưng thực tế chính sách này chưa được thực hiện triệt để. Ở một số nơi, chính quyền địa phương còn thiếu sự sâu sát quản lý, gia đình cố tình vi phạm, trốn tránh nên vẫn còn tình trạng trẻ em lang thang xin ăn.
Trẻ em như búp trên cành, cần được yêu thương, nuôi dưỡng giáo dục. Thật đáng lo ngại khi nhiều trẻ em phải vào đời sớm để kiếm sống, đối mặt với những nguy cơ không an toàn, ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em.
NHƯ Ý (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa)