Với sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức và cộng đồng cùng chung tay, công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước (TNTT, ĐN) trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, nguy cơ TNTT, ĐN xảy ra ở gia đình, cộng đồng và trường học vẫn còn cao.
Theo Sở LĐ-TB-XH, từ năm 2016-2019, toàn tỉnh có 715 em bị TNTT, trong đó tử vong 69 em, chiếm 9,8%. Riêng năm 2020 trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 trường hợp trẻ em chết do TNTT, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 6 trường hợp.
Đẩy mạnh công tác truyền thông
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên, cho biết: Trong năm 2020, đơn vị đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng sống, phòng chống TNTT, ĐN cho 900 học sinh các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Qua đó nâng cao nhận thức, kiến thức của các em, những người chăm sóc bảo vệ trẻ em về phòng chống TNTT, ĐN, giúp trẻ có cuộc sống an toàn, lành mạnh.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em luôn được tỉnh quan tâm; các cấp triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế TNTT, ĐN cho trẻ em. Nhiều mô hình triển khai một cách đồng bộ, mang lại kết quả tích cực. Trong đó, mô hình dạy bơi an toàn trong cộng đồng, ngành LĐ-TB-XH phối hợp với ngành GD-ĐT, VH-TT-DL, Đoàn Thanh niên, tổ chức 32 lớp dạy bơi và truyền thông về kỹ năng an toàn dưới nước cho 1.585 trẻ em độ tuổi 9-15 tham dự.
Mô hình Ngôi nhà an toàn tổ chức triển khai các hoạt động can thiệp và tư vấn trực tiếp tại gia đình, nhằm loại bỏ nguy cơ gây thương tích, đuối nước trẻ em tại gia đình. Đồng thời tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho cán bộ cơ sở và người dân tại các xã, phường, thị trấn về thực trạng trẻ em bị thương tích, đuối nước trên địa bàn toàn tỉnh và tại địa phương; công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; hướng dẫn kỹ năng sơ cứu một số TNTT, ĐN trẻ em...
Em Hồ Lanh Lợi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh), tham gia lớp truyền thông phòng chống TNTT, ĐN do Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên tổ chức, nói: “Chúng em thường rủ nhau đi tắm sông, suối nhưng không có áo phao. Qua lớp học, được các anh chị hướng dẫn cách tắm an toàn, hạn chế tắm ao hồ, sông suối, chúng em hiểu được sự nguy hiểm của việc này và sẽ cẩn thận hơn”.
Nâng cao nhận thức, không chủ quan, lơ là
Có thể thấy rằng dù triển khai nhiều biện pháp nhưng công tác phòng chống TNTT, ĐN ở trẻ em còn gặp rất nhiều thách thức khi kiến thức của cộng đồng, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Chỉ một chút bất cẩn của người lớn cũng có thể gặp phải những trường hợp rất thương tâm. Bà Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống TNTT trẻ em còn một số hạn chế. Đáng chú ý là tình trạng trẻ em bị TNTT, ĐN, tai nạn giao thông vẫn còn cao. Hầu hết các vụ tai nạn chủ yếu là khách quan, một số trường hợp trẻ em bị đuối nước do yếu tố môi trường sống chưa được an toàn và sự lơ là của người lớn cũng như sự hiếu động của chính bản thân trẻ em dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Trước thực tế TNTT, ĐN còn cao, mới đây, Bộ LĐ-TB-XH có văn bản đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống TNTT trẻ em nói chung, đặc biệt là phòng chống đuối nước trẻ em. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân về phòng chống đuối nước trẻ em.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; giáo dục, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ TNTT, ĐN. Đồng thời rà soát, phát hiện kịp thời các đồ dùng, công trình chứa nước, các khu vực hố nước, hồ ao, sông ngòi, vùng nước sâu, nguy hiểm thường xảy ra đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Tiếp tục hướng dẫn triển khai, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng chống TNTT trẻ em. Triển khai, mở rộng việc dạy kỹ năng an toàn phòng chống TNTT, ĐN, dạy bơi an toàn cho trẻ em. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhằm góp phần hạn chế TNTT, ĐN trẻ em.
Chúng em thường rủ nhau đi tắm sông, suối nhưng không có áo phao. Qua lớp học, được các anh chị hướng dẫn cách tắm an toàn, hạn chế tắm ao hồ, sông suối, chúng em hiểu được sự nguy hiểm của việc này và sẽ cẩn thận hơn.
Em Hồ Lanh Lợi (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) |
KIM CHI