Thông qua các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật liên quan đến hoạt động tiêu dùng hàng hóa, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, người dân… trong tỉnh đã nâng cao nhận thức, khả năng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, biết cách xử lý các vấn đề theo đúng pháp luật.
Giúp phân biệt hàng giả, hành vi bán hàng lừa đảo
Theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật về BVQLNTD. Chỉ trong tháng 10 vừa qua, hội đã mở 3 lớp cho hơn 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tổ chức đoàn thể, hội viên phụ nữ, người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người dân trên địa bàn các xã Hòa Trị, Hòa An, Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), xã An Hòa Hải (huyện Tuy An) và xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu).
Nội dung được tuyên truyền, phổ biến gồm: quyền lợi, cách BVQLNTD, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; khuyến cáo phân biệt nhãn hàng hóa đối với một số hàng công nghệ thực phẩm; khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng hóa, tham gia vay tiêu dùng trả góp; cảnh báo các hành vi lừa đảo… Ngoài ra, hội còn tư vấn quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết hợp tuyên truyền, vận động tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Được tư vấn pháp luật, hướng dẫn kỹ năng tiêu dùng để có thể tránh các hành vi lừa đảo trong kinh doanh, mua sắm hàng hóa, ông Nguyễn Thành Phong ở thôn Phú Thường, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều nhóm người ở địa phương khác đến tổ chức bán hàng hóa, đồ dùng… cho người dân quê tôi. Được biết, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra các vụ lừa đảo, bán hàng gian dối, không ít người bị lừa nhưng không biết khiếu kiện đến cơ quan nào. Sau khi tham gia lớp tập huấn của Hội BVQLNTD tỉnh, chúng tôi đã cập nhật được nhiều kỹ năng, kiến thức mới để vận dụng vào cuộc sống”.
Còn bà Trương Thị Mỹ Trinh ở xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu, cho hay: Trước những thông tin về hàng hóa, thực phẩm không an toàn, kém chất lượng như hiện nay, nhiều chị em tỏ ra lo lắng nếu mua phải hàng giả, nhái... Khi được tư vấn, tôi thấy tự tin hơn khi tiếp xúc, sử dụng dịch vụ, hàng hóa bán trên thị trường. Riêng về lớp tập huấn, chúng tôi thấy rất bổ ích. Tại lớp học, chúng tôi được thoải mái trao đổi vướng mắc, hay những vấn đề, tình huống lừa đảo đã từng gặp và cần được tư vấn giải quyết…
Tiếp tục phối hợp tập huấn, tuyên truyền
Theo đại diện các địa phương, thực tế hiện nay, nhiều người tiêu dùng còn thiếu kiến thức, thông tin về hàng hóa, dịch vụ. Họ cần được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn cách tiêu dùng an toàn để chủ động hơn trong việc tiếp cận. Vậy nên công tác tuyên truyền pháp luật về BVQLNTD cũng như những kỹ năng liên quan cần được các cấp hội đoàn thể, chính quyền, ngành chức năng… đẩy mạnh và triển khai trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Hà Viễn, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An, cho biết: Địa phương thường xuyên phối hợp với Hội BVQLNTD tỉnh truyền thông các nội dung liên quan đến người tiêu dùng cho nữ công nhân, cán bộ, viên chức, người dân… giúp họ nắm bắt và hiểu sâu hơn những kỹ năng cơ bản, có thêm kinh nghiệm trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó biết cách bảo vệ quyền lợi chính mình. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với các tổ chức, hội đoàn thể triển khai các lớp tập huấn tương tự để tất cả người dân, tổ chức, cá nhân kinh doanh… tham gia, nhằm phát huy hiệu quả trong hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân.
Hàng năm, Hội BVQLNTD tỉnh đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVQLNTD đến các tầng lớp nhân dân. Hội sẽ tăng cường thực hiện công tác này và mở thêm các lớp tập huấn ở các địa phương để việc hỗ trợ, tư vấn kiến thức, kỹ năng cho người tiêu dùng được phát huy hiệu quả và phổ biến sâu rộng hơn. Hội rất cần sự hỗ trợ, phối hợp, chia sẻ từ các đơn vị, ngành chức năng để ngày càng có nhiều người dân tham gia, góp phần cải thiện và xây dựng văn hóa tiêu dùng trong cộng đồng dân cư.
Bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội BVQLNTD tỉnh |
ANH KHANG