Ngày 26/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó bão Molave (bão số 9). Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Hữu Thế (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra tại Hồ chứa nước Phú Xuân. Ảnh: NGÔ XUÂN |
Không được chủ quan, lơ là
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết: Bão số 9 vào biển Đông với cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng trên diện rộng. Vùng trọng tâm bão ảnh hưởng dự kiến là các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, bão gây gió lớn trên biển khoảng cấp 13-14, giật cấp 15, trong bờ được dự báo là cấp 11-12, giật cấp 13; trong đó tâm bão là các tỉnh từ Đà Nẵng - Bình Định. Ngoài ra, bão còn gây giông, lốc và được đánh giá cấp độ rủi ro cấp 4. Do vậy, chính quyền địa phương cần phải tuyên truyền, khuyến cáo với người dân và các hoạt động tàu thuyền trên biển cần phải di dời, tránh trú đến nơi an toàn.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, cho biết: Trước nhận định về bão số 9 rất mạnh, theo kịch bản, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT phối hợp với các địa phương dự kiến di dời hơn 1,2 triệu dân. Bên cạnh đó, hiện ở khu vực miền Trung có khoảng 65.000 tàu, đã thông báo về diễn biến của bão và hướng dẫn cho khoảng 45.000 tàu di chuyển tránh trú bão; còn khoảng 20.000 tàu chưa nhận được thông báo của các lực lượng chức năng về bão. Do vậy, các đơn vị chức năng phối hợp với địa phương gấp rút kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn, chậm nhất trong tối 27/10. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế thực hiện nghiêm việc cấm biển và cho học sinh nghỉ học.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương dự báo có khả năng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9; các bộ, ngành Trung ương dừng tổ chức các cuộc hội họp (trừ các cuộc họp cần thiết), khẩn trương chỉ đạo và chủ động triển khai phương án ứng phó bão số 9. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn từ Trung ương đến địa phương và Ban chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành phố chủ động triển khai phương án ứng phó bão, kiên quyết đưa người và sơ tán dân trên các tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn, nhất là tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; điều tiết xả lũ hợp lý, hạn chế ảnh hưởng ngập lụt, thiệt hại cho vùng hạ du.
Lực lượng chức năng của TX Sông Cầu tuyên truyền, vận động ngư dân trên các tàu thuyền khẩn trương vào bờ trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Ảnh: NGỌC CHUNG |
Kiên quyết đưa người đến nơi an toàn
Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, hiện Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận). Về nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè. Các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ. Đến sáng 26/10, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trung bình từ 50-500m3/s, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 500m3/s. Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Hiện trong tỉnh có 3 công trình đê kè biển, cửa sông đang xây dựng (công trình cửa biển Đà Nông, công trình cửa biển Đà Diễn và công trình kè Xóm Rớ giai đoạn 2), đã hoàn thành từ 40-90% khối lượng công việc, chủ đầu tư dự án sẵn sàng các phương án bảo vệ công trình, tài sản máy móc thiết bị và con người.
Chiều cùng ngày, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các sở, ngành của tỉnh kiểm tra công tác triển khai phương án ứng phó bão số 9 của TX Sông Cầu. Đồng chí Phạm Đại Dương và đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra một số khu vực nuôi trồng thủy sản và các khu neo đậu tàu thuyền tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông. Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Trên địa bàn thị xã có khoảng 2.400 tàu thuyền, hiện còn khoảng 10 tàu thuyền đang khai thác thủy sản gần bờ, đi về trong ngày. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn thị xã có khoảng 1.800 bè (gần 60.000 lồng - mỗi bè có khoảng 5-6 người) chủ yếu nuôi tôm hùm, trong đó tại vịnh Xuân Đài có 1.350 bè (khoảng 45.000 lồng), còn lại ở đầm Cù Mông.
Đồng chí Phạm Đại Dương yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó cơn bão số 9 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương tiếp tục thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động di chuyển tránh trú an toàn; kiên quyết xử lý nghiêm những chủ phương tiện tàu thuyền, bè nuôi thủy sản không chấp hành hướng dẫn, kêu gọi của địa phương.
Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Hồ chứa nước Đồng Tròn (huyện Tuy An) và Hồ chứa nước Phú Xuân (huyện Đồng Xuân). Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, Hồ chứa nước Đồng Tròn có dung tích 19,5 triệu m3; Hồ chứa nước Phú Xuân có dung tích 11,2 triệu m3 nước. Đến thời điểm này, cả hai hồ chứa đã tích khoảng 40% lượng nước. Công ty đã tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng toàn bộ hệ thống hồ chứa, các trang thiết bị vận hành, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn; triển khai các phương án ứng phó cơn bão số 9 và các cơn bão tiếp theo.
Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Trần Hữu Thế yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam theo dõi chặt chẽ tình hình cơn bão số 9, tính toán mực nước hồ, lưu lượng về hồ hợp lý để vừa đảm bảo tích nước cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt, vừa đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Chiều 26/10, UBND tỉnh có công điện hỏa tốc về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão Molave (bão số 9). UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trong tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển; gia cố đảm bảo an toàn đê kè, hồ đập, công trình xây dựng đang thi công dở dang, nhất là các tuyến đê kè biển, cửa sông. Chủ động sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; triển khai phương án phòng chống ngập úng tại các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình bão lụt, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó bão… |
ANH NGỌC - NGÔ XUÂN