Đại diện lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khẳng định "gọi bão số 9 là cơn cuồng phong cũng không sai" bởi đây là cơn bão mạnh nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Trước một loạt thông tin cảnh báo về “cuồng phong” bão số 9 đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người lo lắng, chiều nay, 26/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có cuộc họp thông tin báo chí về diễn biến mới nhất của cơn bão được nhận định là “mạnh, nguy hiểm” nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Rủi ro trong cơn bão số 9 là rất lớn!
Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn), khẳng định bão Molave đã vào biển Đông sáng nay, 26/10, và trở thành cơn bão số 9.
“Đây là cơn bão có tốc độ di chuyển tương đối nhanh nên sẽ cập bờ vào chiều hoặc đêm ngày 28/10. Dự báo, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung, Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, trọng tâm mưa lớn sẽ tập trung vào khu vực Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Quảng Bình, với lượng mưa rất lớn có thể lên tới 500mm mỗi đợt”, ông Lâm lưu ý.
Khi được hỏi về thông tin trên mạng lan truyền bão số 9 là “cuồng phong”, ông Lâm khẳng định “gọi bão số 9 là cuồng phong cũng không sai, đặc biệt là trên biển,” bởi theo phân cấp bão thì bão cấp 12-15 là “cuồng phong”, bão rất mạnh; cấp 16 trở lên là “siêu bão”. Tuy nhiên, cơn bão này, khó có thể đạt được ở cấp 16.
Ông Lâm cũng lưu ý, dù bão số 9 đi rất nhanh nhưng lại không có nhiều yếu tố suy giảm như bão số 8. Cụ thể, bão đang đi vào vùng biển lạnh, khu vực này là vùng biển sâu, nước biển lạnh, địa hình thoáng nên ít khả năng suy yếu nhanh như bão số 8, vì vậy, rủi ro trong cơn bão số 9 là rất lớn.
Về diễn biến đường đi và mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 9, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đến chiều nay, 26/10, cường độ của bão số 9 ở cấp 12, giật cấp 15 và rất mạnh.
“Như vậy, chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu mùa mưa bão đến nay. Đây là cơn bão di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng, hầu khắp trên biển Đông. Vì cơn bão di chuyển nhanh nên khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới vùng biển ngoài khơi, ven bờ rất sớm”, ông Năng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Năng, từ chiều mai đã có cảnh báo gió mạnh ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ. Từ đêm mai, cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Cơn bão này sẽ gây ra tổ hợp liên hoàn các hệ quả. Trước hết, sẽ gây gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Toàn bộ vùng biển giữa biển Đông bao gồm phía Bắc quần đảo Trường Sa đến phía Nam quân đảo Hoàng Sa (khu vực trọng tâm) có gió bão mạnh đến cấp 11-13, giật cấp 15. Khi vào gần bờ, cường độ bão duy trì ở cấp 11-12, giật cấp 14. Trọng tâm là vùng biển từ các tỉnh Đà Nẵng đến Phú Yên.
Về nguy cơ sóng lớn, theo ông Năng, cơn bão với cường độ cấp 12-13, có thể gây ra đợt sóng lớn cao 10m trên biển Đông. Khi đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng sẽ ít suy giảm vì đây là khu vực thoáng, không bị che chắn bởi các địa hình và độ sâu biển lớn, dốc. Mức sóng có thể cao từ 4-7m, vùng gần tâm bão bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8m.
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Bá Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế hiện nay cho thấy khả năng bão sẽ gây ra sóng cao trên 10m và đây là điều hiếm hoi trên biển Đông.
Nguy cơ mưa rất lớn, ngập lụt trở lại
Theo ông Thủy, khi bão đi vào vùng biển trung Trung bộ, tập trung từ Đà Nẵng đến Bình Định, khu vực này biển sâu, địa hình rộng thoáng và là vùng tương đối trũng, nên khả năng sóng giảm thấp là rất ít. Dự báo ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Định có sóng biển cao từ 4-7m. Riêng khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi, dự báo thời điểm sóng cao nhất sớm nhất từ khoảng trưa và chiều 28/10.
“Nếu kịch bản này xảy ra thì khả năng ngập lụt ít hơn. Còn kịch bản xấu hơn là bão đổ bộ vào đêm thì sóng kết hợp thủy triều khiến nước biển dâng cao đến 1,5m, nước biển sẽ đi sâu vào đất liền đến hàng kilômét”, ông Thủy nhấn mạnh.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết sau khi bão đổ bộ sẽ gây nước biển dâng, mưa lớn, gió lớn trong đất liền và gây mưa lũ trên các lưu vực sông, khả năng cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất.
Do tác động của hoàn lưu bão lớn có thể khiến nước biển từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng dâng từ 0,5 - 1,5m và vùng trong tâm từ Đà Nẵng - Phú Yên có khả năng cao hơn. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, đầm phá...
Về diễn biến mưa lớn, ông Năng nhận định có 2 giai đoạn là mưa trực tiếp do bão sẽ bao gồm các tỉnh Trung Bộ từ 200-400 mm/đợt và tập trung vào đêm 27 - đêm 28. Khu vực Quảng Nam có thể có mưa cao hơn. Sau khi bão vào sau khoảng nửa ngày đến một ngày thì hoàn lưu sau bão kết hợp với gió mùa sẽ khiến vùng mưa mở rộng từ Quảng Trị - Hà Tĩnh - Nghệ An và khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể đạt đến lượng mưa 500mm/đợt, kéo dài từ 28-31/10.
Cùng với khu vực miền Trung, khu vực Tây Nguyên cũng có mưa lớn lên tới 200 mm, tập trung ở phía Bắc. Khu vực sông ở Gia Lai, Kon Tum thể xuất hiện lũ, từ báo động 2, báo động 3, thậm chí trên báo động 3.
Bên cạnh đó, nguy cơ cao xảy ra ngập úng trở lại. Đặc biệt, nguy cơ sạt lở từ Nghệ An - Phú Yên, các tỉnh Tây Nguyên. Nguy cơ xảy ra sự cố tại các công trình thủy lợi, hồ chứa, thủy điện có thể bị ảnh hưởng.
Theo Vietnam+