Thứ Sáu, 11/10/2024 07:22 SA
Cùng vào cuộc “trợ sức” người dân thoát nghèo
Thứ Sáu, 16/10/2020 14:13 CH

Triển khai thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, MTTQ và các cấp ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cùng chăm lo cho những hộ nghèo, cận nghèo...

 

Thời gian qua, đời sống của người nghèo nhìn chung đã được cải thiện. Nhiều hộ nghèo vươn lên trở thành hộ trung bình, có hộ vươn lên khá. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 3,39% hộ nghèo, ước còn 2,54% vào cuối năm 2020.

 

Nhiều cách hỗ trợ thoát nghèo

 

Ông Ma Hà (buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chăn nuôi bò. Ảnh: KIM CHI

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh, 5 năm qua, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành 4 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 1 chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành về thực hiện 5 chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: giải quyết đất ở cho hộ nghèo, xóa nhà ở tạm cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ 20% chi phí mua BHYT cho hộ cận nghèo, giúp các thôn/buôn mới thoát khỏi sự hỗ trợ của Chương trình 135… Các chính sách này đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực đời sống, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định và vươn lên thoát nghèo.

 

Trong giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh có 23.788 hộ thoát nghèo, bình quân giảm 2,3%/năm. Đến cuối năm 2019, 2 huyện Sông Hinh và Đồng Xuân thoát khỏi huyện nghèo (theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 5/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ); 8 xã thoát khỏi xã nghèo đặc biệt khó khăn, trong đó có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Thực hiện mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn/buôn khó khăn và cán bộ đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” theo Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong 5 năm qua, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Sở LĐ-TB-XH và Phòng giao dịch Phú Yên trực thuộc Ngân hàng Phát triển chi nhánh Nam Trung Bộ tham gia đóng góp 1 ngày lương/năm. Từ nguồn quỹ đóng góp của 2 cơ quan, cùng kinh phí vận động từ nhiều nguồn khác nhau đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách; hỗ trợ bò giống, tivi cho hộ nghèo; hỗ trợ sách vở, học bổng cho học sinh nghèo. Đồng thời hỗ trợ UBND xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) tủ sách với 500 đầu sách các loại và đóng 35 bộ bàn ghế cho nhà sinh hoạt cộng đồng xã; hỗ trợ lúa giống và phân bón cho 24 lượt hộ nghèo trồng lúa nước..., góp phần giúp các hộ nghèo có đủ lương thực trong thời điểm giáp hạt, từng bước vươn lên thoát nghèo.

 

Hờ Vin K’Ri ở buôn Thu, xã Krông Pa chia sẻ: “Khi tách hộ, vợ chồng tôi gặp nhiều khó khăn. Sau khi được Sở LĐ-TB-XH hỗ trợ vật dụng, bò giống, phân bón và hướng dẫn cách làm ăn, cuộc sống vợ chồng tôi đã được cải thiện”.

 

Phú Hòa là một trong những địa phương triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện. Ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, đến cuối năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 1,62%. Tình trạng hộ tái nghèo chỉ từ 0,13-0,31%/năm.

 

Bên cạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, chương trình tín dụng cho hộ nghèo cũng đã giúp người dân thoát nghèo bền vững. Theo Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Phú Yên, đơn vị đã thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách đến 605 thôn (buôn, khu phố) của 110 xã (phường, thị trấn) trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn vay tại các huyện miền núi, vùng nông thôn có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển… Dư nợ đến 30/6/2020 là hơn 3.000 tỉ đồng, với hơn 87.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, chiếm 33,33% tổng số hộ toàn tỉnh. Qua 5 năm (2016-2020) thực hiện chương trình này, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp gần 26.000 hộ dân vay vốn thoát nghèo.

 

Ông Ma Hà ở buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi luôn mong muốn có một con bò để phát triển kinh tế. Được NHCSXH xét cho vay vốn hộ nghèo, tôi mạnh dạn mua bò về nuôi. Trong thời gian nuôi, bò khỏe mạnh, sinh đẻ nhanh lại bán được giá. Giờ cái nghèo không còn nữa, tôi tăng đàn từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng; cái chính là phải chịu khó làm ăn”.

 

Hướng đến giảm nghèo bền vững

 

Phú Yên là tỉnh thuần nông, tỉ lệ hộ nghèo đầu năm 2011 chiếm hơn 19,46%; năm 2015 giảm còn 7,72% và cuối năm 2019 giảm xuống 3,39%. Đáng chú ý, hàng chục nghìn hộ dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để có được thành quả đó, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động sát, đúng với từng giai đoạn, từng vùng miền cụ thể.

 

Mặc dù công tác giảm nghèo của tỉnh đạt hiệu quả cao, nhưng vẫn còn một số hạn chế như: phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các xã nghèo chưa được chỉ đạo triển khai quyết liệt; còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước.

 

Tại buổi làm việc với đoàn công tác các vấn đề xã hội của Quốc hội về kết quả 6 năm (2015-2020) thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng cho biết: Căn cứ Nghị quyết 76 của Quốc hội về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020”, Phú Yên đã duy trì được kết quả giảm nghèo và đạt chỉ tiêu giao; kiềm chế có hiệu quả việc tái nghèo. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, nhất là nguồn vốn chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó là sự chủ động, tích cực vươn lên của các hộ nghèo. Để duy trì việc giảm nghèo bền vững, một trong những vấn đề then chốt được tỉnh tiếp tục triển khai là đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo phù hợp với tập quán canh tác, sinh hoạt; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

 

Trong thời gian tới, tỉnh đề ra các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường vai trò chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhất là của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Trong đó chú trọng các biện pháp tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo ổn định sinh kế, phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập. Nâng cao vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn trong thực hiện việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp. Tiếp tục quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở thiết yếu cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là kết nối mạng thông tin đến các vùng nông thôn của tỉnh.

 

HOÀNG LÊ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek