Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động cụ thể, thiết thực giúp nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nâng cao kiến thức, tay nghề, sáng tạo trong công việc chuyên môn. Nhờ đó, nhiều nữ CNVCLĐ đã vươn lên khẳng định bản thân, đóng góp cho sự phát triển của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao vị thế, vai trò của nữ CNVCLĐ trong xã hội.
Vai trò nữ công được khẳng định
Thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-BCH về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ CNH, HĐH đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà (GVN-ĐVN) giai đoạn 2010-2020, các cấp công đoàn đã triển khai sâu rộng đến cơ sở. Theo đó, nhiều phong trào thi đua thiết thực đã trở thành nguồn động lực thúc đẩy chị em vượt qua thử thách, phát huy tinh thần sáng tạo, năng động, cần cù trong đời sống.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Từ hoạt động phong trào, cán bộ công đoàn thể hiện được vai trò trong việc động viên nữ CNVCLĐ khắc phục khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong lao động, công tác. Để nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, các cấp công đoàn đã cụ thể hóa phù hợp với từng ngành nghề, thu hút 100% nữ CNVCLĐ tích cực đăng ký; tổ chức các phong trào hoạt động mang đặc thù về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn, các chế độ, chính sách liên quan đến nữ CNVCLĐ và trẻ em. Có thể nói, các ban, tổ nữ công cũng luôn chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện công tác nữ công và phong trào hoạt động trong nữ CNVCLĐ”.
Trong 10 năm qua, Ban Nữ công công đoàn các cấp đã vận động và xây dựng 2.012 nhóm tiết kiệm, với tổng số 12.072 người tham gia; LĐLĐ tỉnh giải ngân 22 đợt vốn vay từ nguồn Quỹ Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo với tổng số tiền hơn 6,7 tỉ đồng/1.629 suất; LĐLĐ tỉnh còn hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà cho 85 nữ đoàn viên với tổng số tiền trên 1,8 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm công đoàn, tạo điều kiện để lao động nữ an tâm công tác và cống hiến cho doanh nghiệp, đơn vị.
Nhân rộng những điển hình “hai giỏi”
Một phong trào nổi bật được Ban Nữ công các cấp công đoàn phát động hàng năm và được sự hưởng ứng tích cực của nữ CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị là thi đua GVN-ĐVN. Đi cùng với phong trào này là các phong trào, cuộc vận động “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Kết quả trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 105.476 lượt nữ đoàn viên đạt danh hiệu “GVN-ĐVN”; hơn 3.095 sáng kiến, cải tiến, 334 công trình sản phẩm làm lợi cho Nhà nước 12.500 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Việt là một trong những đoàn viên nữ tiêu biểu được công đoàn cấp trên biểu dương, khen thưởng trong phong trào GVN-ĐVN. Không chỉ hoàn thành xuất sắc việc chuyên môn, bà Tâm còn tích cực tham gia các phong trào thi đua và hoạt động công đoàn với vai trò Chủ tịch CĐCS tại công ty. Tại đây, bà quan tâm đời sống công nhân, đặc biệt là lao động nữ, giúp họ tự tin, rèn luyện tay nghề, tăng thu nhập hàng năm. Bà còn chú trọng đến việc cải thiện các chính sách cho lao động nữ. Bà Tâm chia sẻ: “Tôi nghĩ trong thời kỳ CNH, HĐH, phụ nữ nên tự giác học tập, trau dồi kiến thức để làm chủ bản thân cả trong công việc, gia đình và xã hội. Nếu làm tốt điều đó, lao động nữ sẽ luôn có chỗ đứng và khẳng định mình trong mọi lĩnh vực”.
Còn chị Bùi Thị Kim Soan, Trưởng Ban Hành chính nhân sự, Trưởng Ban Nữ công, Phó Chủ tịch CĐCS Công ty CP An Hưng, không những năng động trong công việc mà còn sắp xếp việc khoa học, mang lại hiệu quả cao. Trong điều hành, quan điểm của chị Soan rất rõ ràng. Theo chị, muốn bảo vệ, làm lợi cho NLĐ thì tổ chức công đoàn phải phối hợp tốt với người sử dụng lao động.
Và thực tế, bằng sự mềm mỏng, khéo léo và am hiểu pháp luật, chị cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty phối hợp với Ban Giám đốc doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động, tổ chức ký kết hợp đồng lao động, tham gia giám sát việc thực hiện chế độ chính sách và duy trì việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ cơm trưa với mức 12.000 đồng/suất; 100% NLĐ đều được đóng BHXH, BHYT; đối với công nhân nữ còn được hưởng thêm các chế độ khi mang thai, chăm sóc con nhỏ…
Chị Soan cho biết: “Mọi vị trí được giao đều có những áp lực công việc riêng, nhưng bản thân tôi luôn đề ra chỉ tiêu cho mình để nỗ lực từng ngày. Tôi may mắn có người chồng hiểu và chia sẻ công việc. Đó là động lực để tôi luôn hoàn thành tốt công việc của mình, vừa chăm lo chu toàn cho gia đình”.
Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quyền của lao động nữ; vận động nữ CNVCLĐ xây dựng “gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, thực hiện tốt tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư; nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua GVN-ĐVN, gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN Việt Nam phát động.
Ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh |
NGỌC HÂN