Những ngày qua, dư luận cả nước và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm đến vụ việc 39 người thiệt mạng trong xe container tại hạt Essex, Vương quốc Anh.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh, ngày 1/11/2019, Cảnh sát hạt Essex thông báo trong số 39 người thiệt mạng có nạn nhân người Việt, chưa xác định danh tính cụ thể. Vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Đây là thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân... Hiện Bộ Ngoại giao và các cơ quan cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp tích cực xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị thích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự”.
Cũng theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, ngay sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Bộ Ngoại giao báo cáo về việc Cảnh sát hạt Essex thông báo có nạn nhân người Việt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cử ngay các đoàn công tác do lãnh đạo bộ làm trưởng đoàn trực tiếp sang Anh để làm việc với nhà chức trách Anh, xử lý các công việc liên quan.
Đây là vụ việc hết sức thương tâm, cả thế giới bàng hoàng, đau xót, chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Anh đang tích cực phối hợp để xác minh nhân thân người bị nạn và điều tra về đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Cộng đồng quốc tế bày tỏ sự phẫn nộ, mong muốn đưa những kẻ “buôn người” ra xử lý nghiêm trước pháp luật. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn còn một số tổ chức, cá nhân vô cảm, táng tận lương tâm, lợi dụng sự việc đau lòng để quy kết, đổ lỗi, chỉ trích chính quyền, họ còn trơ trẽn cho rằng “chế độ hiện tại không thể lo cho người dân nên họ phải liều mình bỏ mạng để tha hương”.
Hiện nay, tình trạng xuất khẩu lao động bất hợp pháp đã và đang là vấn nạn ở rất nhiều quốc gia, không chỉ riêng Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ý thức của người dân, họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí gần 1 tỉ đồng để được xuất khẩu lao động “chui” đến “miền đất hứa”, để được đổi đời, làm giàu bằng mọi giá mà không xét đến năng lực, trình độ chuyên môn. Cách mà họ lựa chọn không chỉ mạo hiểm cho mình, cho gia đình mà còn là việc làm vi phạm pháp luật, khi họ đang tiếp tay cho những đường dây tội phạm, đường dây đưa người xuất cảnh trái phép, tiếp tay cho bọn “buôn người”, di cư bất hợp pháp.
Sáng 4/11, trong phiên thảo luận của Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường phát biểu: Mỗi năm có hơn 100.000 người Việt Nam ra nước ngoài lao động qua con đường chính thức, số liệu 9 tháng đầu năm 2019 có hơn 104.000 người đi xuất khẩu lao động. Ở một số địa phương có nhiều xã đã có tới hơn 1.000 người lao động ở nước ngoài, có nghĩa là rất nhiều người đi lao động “chui” ở nước ngoài theo các con đường khác nhau. Nhiều người sợ vi phạm pháp luật nước sở tại nên trốn tránh, bị lợi dụng, ép buộc làm những việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, quy định chi tiết, rõ ràng về vấn đề người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hợp pháp. Tuy nhiên, khi nhu cầu xuất khẩu lao động tăng cao, một số tổ chức, cá nhân cố tình tìm mọi cách đưa người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài làm việc, dưới nhiều hình thức biến tướng, lừa đảo, dụ dỗ xuất cảnh bằng con đường du lịch, thăm thân, sau đó “bán” cho chủ sử dụng lao động ở nước ngoài. Để phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, tránh việc người dân bị lừa gạt, “tiền mất tật mang”, ngoài việc tuyên truyền, quản lý tốt từ cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi ký hợp đồng lao động nước ngoài, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, đừng vì giấc mộng “đổi đời” mà vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.
Trở lại vụ việc 39 người thiệt mạng trong xe container, đây là nỗi đau xót chung của cộng đồng trong nước và quốc tế. Việc bày tỏ lòng trắc ẩn, thương cảm, lên án các hành vi vi phạm pháp luật là lẽ đương nhiên. Nhưng bên cạnh đó rất cần sự sáng suốt, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đừng phụ họa, hùa theo những kẻ chuyên kích động, rắp tâm phá hoại đất nước, phải lên án mạnh mẽ các hành vi xuyên tạc, kích động, đó mới là biện pháp hiệu quả nhất để xây dựng quê hương, đất nước.
NHƯ LÊ