Mùa mưa lũ làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường sống. Trong mùa mưa lũ thường xảy ra các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn..., nguyên nhân chính là do môi trường và nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Vì vậy, cần thực hiện tốt các biện pháp xử lý môi trường và nguồn nước để hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra tại cộng đồng.
Để đảm bảo sức khỏe, mọi người, mọi nhà hãy thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường như: Thường xuyên tổng vệ sinh môi trường khu vực nhà ở và xung quanh nơi mình sinh sống như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, nước thải để khi mưa to không bị tắc, không bị nhiễm bẩn đất và nguồn nước.
Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết do mưa lũ, thực phẩm đã bị ngâm dưới nước, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc. Thu gom, xử lý triệt để rác sinh hoạt và chất thải khác; cần có dụng cụ chứa rác có nắp đậy kín tại gia đình, khu tập thể cũng như nơi công cộng, đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước.
Những gia đình sử dụng nước giếng, xây bể chứa nước sạch nên dùng ni lông bịt miệng giếng, bể nước khi có bão lụt. Sau khi hết bão lụt cần kiểm tra, thau rửa các dụng cụ dự trữ nước sạch, rửa bể nước, giếng nước hoặc sử dụng hóa chất để làm sạch nguồn nước theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Không vứt rác, không thải phân người xuống vùng ngập nước.
Cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe cho con người. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần không nhỏ trong việc khống chế các bệnh tật tại cộng đồng.
Trong vùng lũ lụt, ngập úng, khi gặp vấn đề gì về sức khỏe hoặc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám và điều trị kịp thời.
BS CHÍ LINH
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh