Thực hiện đề án “Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (Đề án 818), nhiều địa phương đã có bước chuyển biến rất rõ nét và đạt được những kết quả quan trọng góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu công tác DS/SKSS/KHHGĐ.
Đề án 818 được triển khai từ năm 2018 và hiện vẫn tiếp tục được đẩy mạnh tại tỉnh ta. Theo đó, Nhà nước chỉ còn hỗ trợ, cấp miễn phí các PTTT cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng thuộc diện chính sách, đối tượng thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những đối tượng còn lại sẽ chuyển đổi hành vi từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán” phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người sử dụng.
Chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức
Theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, thời gian qua Đề án 818 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể; sự đầu tư có hiệu quả của các nhà tài trợ, của Nhà nước và địa phương; sự tham gia tích cực của hệ thống dân số các cấp và của đội ngũ cán bộ y tế nên đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, góp phần tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) và chăm sóc SKSS cho người dân trong tình hình mới.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Đơn vị tiếp nhận và triển khai đề án với hoạt động ưu tiên là tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân về sử dụng các PTTT, chăm sóc SKSS từ “bao cấp, miễn phí” sang sử dụng dịch vụ “mua, bán”. Bởi vì lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng Nhà nước bao cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Trong khi hiện nay, Nhà nước chỉ ưu tiên cấp miễn phí cho các đối tượng nghèo, khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội. Việc triển khai đề án cũng là cơ hội để đưa dịch vụ PTTT hiện đại đến với người dân, góp phần cùng Nhà nước thực hiện thành công chiến lược về nâng cao chất lượng dân số.
Tại các địa phương, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn thực hiện kế hoạch xã hội hóa các sản phẩm về KHHGĐ và chăm sóc SKSS như: viên uống tránh thai Anna, bao cao su các loại; dung dịch vệ sinh phụ nữ; bột Unical For Rice (bột can xi)... Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng tổ chức hàng trăm cuộc truyền thông giới thiệu sản phẩm cho người dân tại các địa phương trong tỉnh; tổ chức phân phối tất cả sản phẩm thuộc chương trình của Đề án 818; phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền về đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo sự lan tỏa cao trong cộng đồng, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề xã hội hóa các PTTT.
Chị Văn Thị Gái, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) chia sẻ: Với đồng bào dân tộc thiểu số, một gia đình thường có 2 đến 3 thế hệ cùng chung sống, nên khi các cặp vợ chồng trẻ muốn sử dụng thuốc tránh thai, bao cao su…, họ cảm thấy rất bất tiện. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng tuyên truyền, vận động chị em bảo vệ sức khỏe bằng cách tự sử dụng các biện pháp tránh thai và khuyên người thân cùng sử dụng. Hàng tháng, chúng tôi giới thiệu các sản phẩm PTTT đến các chi hội phụ nữ để chị em tìm hiểu, tiếp cận…
Đa dạng phương tiện tránh thai
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao những kết quả mà Đề án 818 đã đạt được và cho rằng sau thời gian triển khai, ở những tỉnh thực hiện đã có những chuyển biến nhận thức rất rõ nét, song vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của đề án. Theo ông, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn sự vào cuộc của các tỉnh này; cần huy động thêm được nhiều công ty nhằm đa dạng các loại PTTT/SKSS để đưa vào phân phối hiệu quả trong đề án.
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Đề án 818 giai đoạn 2015-2020, ngày 25/2/2019, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030 đáp ứng tình hình mới. Trong đó chú trọng xã hội hóa phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe tình dục, xây dựng và triển khai chương trình sàng lọc, kiểm soát, quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng, từng bước mở rộng nội dung, địa bàn để thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Các tỉnh cần xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có trong Đề án 818 từ tỉnh xuống huyện, xã đến cộng tác viên dân số.
“Thời gian tới, ngành Dân số Phú Yên sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tốt Đề án 818 cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, đảm bảo 100% phụ nữ được chăm sóc SKSS, cung cấp dịch vụ KHHGĐ định kỳ. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số nhằm nâng cao chất lượng dân số, duy trì các kết quả về chỉ tiêu giảm sinh…”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững cho biết.
Thời gian tới, ngành Dân số Phú Yên sẽ huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện tốt Đề án 818 cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, đảm bảo 100% phụ nữ được chăm sóc SKSS, cung cấp dịch vụ KHHGĐ định kỳ.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên |
KIM CHI - HOÀI PHƯỢNG