Sáng 31/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh bị ảnh hưởng nặng do bão số 5, gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo ứng phó bão số 5 và triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão.
Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, chủ trì buổi họp. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có các đồng chí: Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thông tin về tình hình thiệt hại chung của cả khu vực bị ảnh hưởng bão số 5. Ông cho biết, thống kê thiệt hại ban đầu có 2 người bị thương (Quảng Ngãi), không có người chết. Mưa lũ gây sạt lở đất phải di dời khẩn cấp 29 hộ tại huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). Nhiều địa phương thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bị sự cố và mất điện. Sau cơn bão số 5 cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác quản lý tàu thuyền tại các cảng cá, khu neo đậu để hạn chế các thiệt hại.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Bình Định, cơn bão số 5 gây ra gió lớn kéo dài đến hơn 4 tiếng, gây ra nhiều thiệt hại như hàng ngàn cây xanh bị ngã đổ; có 144 nhà sập, 2.000m kè biển bị sập nằm sát nhà dân và cuốn đi 13 nhà dân, 1 số cầu bị sập... thiệt hại ước tính ban đầu là gần 400 tỉ. Đáng chú ý, sóng quá lớn đã xảy ra sự cố với 7 tàu vận tải neo đậu. Đến hiện tại còn 3 tàu mắc cạn.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: Tỉnh Phú Yên rất cố gắng trong công tác chỉ đạo, di dời. Bão số 5 làm 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 14 nhà thiệt hại từ 30-50%, 12 nhà thiệt hại dưới 30%, 72 xã bị mất điện. Bão kèm theo mưa lớn cũng làm hơn 100ha lúa, hoa màu của người dân bị ngập úng và ngã đổ, 19 tàu thuyền của ngư dân bị chìm và hư hỏng do sóng va đập. Mưa lớn làm hàng ngàn khối đất đá bị sạt lở, chủ yếu ở kênh mương thủy lợi và đập. Giao thông bình thường, nhưng một số tuyến cây cối ngã đổ, mặt đường và nền đường đất đá xói lở, bồi lấp mái taluy, ngành giao thông đã triển khai khắc phục.
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chánh văn phòng Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia, cho biết, có 254.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ, 4 máy bay trực thăng cùng nhiều phương tiện hiện đại sẵn sàng ứng phó ở những nơi nguy hiểm. Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hoàn lưu của cơn bão này kết hợp với nhiễu động gió đông sẽ gây mưa kéo dài. Trong ngày 3-7/11, rất có khả năng xuất hiện bão mới sẽ gây mưa to.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lực lượng chiến sĩ, giúp giảm thiệt hại về người, tài sản; đồng thời ghi nhận công tác dự báo kịp thời, chất lượng; thông tin truyền thông, báo chí vào cuộc tích cực để người dân thấy tình hình diễn biến của bão mà phối hợp sơ tán.
Phó Thủ tướng cho rằng: Mặc dù cơn bão không quá mạnh nhưng lại đi nhanh tuy nhiên, trong khi công tác chỉ đạo, kiểm tra còn lúng túng nhất là tại khu vực neo đậu ở Bình Định có nhiều tàu bị sự cố, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân khắc phục trong thời gian tới. Yêu cầu các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 5, động viên giúp đỡ bà con đảm bảo chỗ ở, học hành, sinh hoạt...
Trong thời gian tới cần tìm vị trí mở rộng khu neo đậu, tránh tình trạng vào neo đậu rồi còn gặp nạn. Cần quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn các hồ chứa. Các địa phương chú ý lực lượng ứng phó tại chỗ; không được chủ quan, phòng ngừa lũ quét và sạt lở đất, sơ tán dân kịp thời ra khu vực nguy hiểm. Sắp tới, có thể xảy ra cơn bão mới, đề nghị các địa phương rút ngay kinh nghiệm việc làm được cũng như chưa làm được, cần theo dõi và có biện pháp phòng chống kịp thời.
Đảm bảo cơ số thuốc, thuốc khử khuẩn khắc phục sau bão số 5
Ngày 31/10, có mặt kiểm tra hiện trường các khu vực bị ngập sâu ở huyện Tuy An, Đồng Xuân, TX Sông Cầu, bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên yêu cầu lực lượng cán bộ y tế, phối hợp địa phương cùng nhân dân làm tốt công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão. Trước mùa mưa bão, Sở Y tế đã cấp lượng thuốc khử khuẩn đảm bảo yêu cầu cho các địa phương trong công tác khắc phục sau bão lũ.
Theo bác sĩ Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đầu mùa mưa bão, tỉnh đã cấp 170kg cloramin bột, 156.650 cloramin viên, 29.280 viên awatat, 16 cơ số thuốc phân phối về các địa phương để phục vụ công tác khắc phục, đảm bảo sức khỏe người dân sau bão. Ngoài ra, trong ngày 30/10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng kịp thời cấp bổ sung 105kg cloramin bột, 15.000 cloramin viên cho các huyện Tuy An, Đồng Xuân và TX Sông Cầu, những địa phương trọng yếu của bão số 5.
Bác sĩ Đoàn Mộng Nguyên, Trưởng trạm Y tế xã An Định (huyện Tuy An), một trong những địa phương bị ngập sâu do bão số 5, cho hay trạm y tế đã cấp lượng thuốc khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt về các thôn, hộ gia đình và hướng dẫn cách sử dụng sau khu nước rút.
Sau bão lụt, các địa phương và nhân dân cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhất là các bệnh thường gặp: sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy... TRẦN QUỚI |
THU THỦY