Thứ Năm, 28/11/2024 17:39 CH
Để trẻ tự tin nói lên tiếng nói của mình
Thứ Bảy, 12/10/2019 13:00 CH

Trẻ em TP Tuy Hòa tham gia Diễn đàn trẻ em. Ảnh: KIM CHI

Năm 2019 đánh dấu 30 năm ra đời Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai thế giới phê chuẩn công ước này. Các quyền tham gia của trẻ em (QTGCTE) được luật hóa trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, tôn trọng ý kiến của trẻ em, từng bước phát huy vai trò và sự đóng góp của trẻ em với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước.

 

QTGCTE là một trong bốn nhóm quyền quan trọng được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em năm 1989 (Công ước 1989). Đó là quyền sống còn, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia. Nhóm quyền tham gia bao gồm: quyền được hình thành quan điểm riêng và tự do phát triển những quan điểm đó về các vấn đề có tác động đến trẻ em; quyền tự do bày tỏ ý kiến (không trái với pháp luật); quyền tự do giao kết, hội họp tụ tập một cách hòa bình. Trong Công ước 1989, Liên Hợp Quốc cũng khuyến khích cha mẹ cùng con cái giải quyết vấn đề về các quyền của trẻ em “một cách phù hợp với khả năng tư duy của trẻ”.

 

Trẻ em luôn có cơ hội được lên tiếng

 

Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), việc thực hiện QTGCTE nhằm góp phần phát triển cá nhân, để trẻ em học cách giải quyết vấn đề và quyết định một cách có trách nhiệm. Đồng thời việc xây dựng câu lạc bộ (CLB) QTGCTE là cơ hội để các em nói lên tiếng nói của mình, là nơi để người lớn lắng nghe tiếng nói trẻ em và bảo vệ trẻ em tốt hơn. Với ý nghĩa và mục đích đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình thúc đẩy QTGCTE vào các vấn đề trẻ em tỉnh Phú Yên giai đoạn 2016-2020.

 

Tại nhiều diễn đàn trẻ em cấp huyện và tỉnh, nhiều ý kiến xung quanh cuộc sống được các em nêu lên, quan tâm. Em Lê Trần Nhã Uyên (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) nói: “Đã vào năm học mới hơn một tháng nay, nhưng ở xóm em ngày nào cũng có nhạc sống vang lên, em không thể nào tập trung học bài, sinh hoạt, nghỉ ngơi được. Rất mong các cấp ngành, địa phương quan tâm, có giải pháp để giảm tiếng ồn do các loa nhạc sống”.

 

Hay em Trần Ngọc Bảo Trâm ở huyện Tây Hòa thổ lộ: “Em đọc báo, xem tin tức trên ti vi thấy gần đây tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra quá nhiều, nhất là ở những vùng nông thôn. Em rất hoang mang. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?”. Nhiều “chủ nhân tương lai” ở các địa phương trong tỉnh còn quan tâm đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc...

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, chia sẻ: Hiện nay, xã hội đang nhức nhối tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em cho trẻ và những người nuôi trẻ. Đó là những kiến thức, kỹ năng như: trong gia đình, cha mẹ phải dạy con không để người khác đụng chạm vào cơ thể mình, đặc biệt là những vùng nhạy cảm; không đi chơi với người lạ...

 

Đồng thời tuyên truyền để mọi người dân nhận thức được chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó chung tay góp phần đẩy lùi tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. “Khi có những thắc mắc về xâm hại, những vấn đề liên quan đến trẻ em, có thể liên hệ với trung tâm để được tư vấn, tham vấn, giải đáp những thắc mắc của các em, hoặc gọi tổng đài 3890000”, bà Thy nói thêm.

 

Đẩy mạnh hoạt động các CLB QTGCTE

 

Hiện nay toàn tỉnh đã triển khai thí điểm 10 CLB QTGCTE tại 9 huyện, thị xã, thành phố và 1 CLB Phóng viên nhỏ tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh. Mỗi CLB có sự tham gia của 30 học sinh. Hàng năm, thành viên CLB đều được tập huấn về phòng, chống xâm hại tình dục, kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội...

 

“Trẻ em tham gia CLB là hoàn toàn tự nguyện và đảm bảo quyền bình đẳng, bí mật riêng tư. Đây là một kênh quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em. Khi tham gia sẽ tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em thực hiện các quyền được tham gia; tạo môi trường an toàn, thân thiện và khuyến khích trẻ em tham gia một cách chủ động”, ông Lê Trung Kiên cho biết.

 

Em Võ Yên Phương, học sinh lớp 9A8, thành viên CLB QTGCTE Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Em thấy việc tham gia sinh hoạt CLB rất vui và bổ ích. Em và các bạn không chỉ được hiểu thêm về quyền và bổn phận của trẻ em, được trau dồi những kỹ năng cần thiết, mà còn được tham gia nhiều hoạt động rất thú vị”. Còn em Nguyễn Bảo Lân, lớp 9B, Trường THCS Võ Trứ (huyện Tuy An), thổ lộ: “Khi tham gia vào CLB, em có thể nói lên những vấn đề em quan tâm. CLB giúp em biết tự phát hiện các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quyền của mình, đặc biệt là quyền tham gia”.

 

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Võ Văn Binh, thông qua những kết quả hoạt động ban đầu cho thấy, CLB QTGCTE là cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm góp phần thúc đẩy QTGCTE và các vấn đề liên quan trẻ em theo quy định của pháp luật và Công ước 1989. Đồng thời nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về QTGCTE; nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện QTGCTE cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân; giúp trẻ em chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống.

 

Khi có những thắc mắc về xâm hại, những vấn đề liên quan đến trẻ em, có thể liên hệ với trung tâm để được tư vấn, tham vấn, giải đáp những thắc mắc của các em, hoặc gọi tổng đài 3890000.

 

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek