Thứ Sáu, 29/11/2024 06:44 SA
Cho bà con nguồn nước ước mơ
Thứ Bảy, 05/10/2019 13:00 CH

Đại diện chương trình “Nhịp cầu nhân ái” và chị Lê Minh Thu trao tiền hỗ trợ xây giếng cho lãnh đạo buôn Ma Y (xã Phước Tân). Ảnh: VŨ HOÀNG

Những ngày nắng như đổ lửa, nước quý hơn cả cơm gạo thì mọi người vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc khi có được nguồn nước ước mơ. Rồi những ngày mưa vừa qua, việc có giếng nước cũng thật quý giá đối với các hộ dân trước đó hàng ngày phải ra tận suối lấy nước hay phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn.

 

“Chỉ khoảng 2 tuần để khoan, đào giếng là có thể “giải cơn khát” cho bà con vùng hạn đối mặt hàng ngày với bao khó khăn trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”. Trăn trở ấy đã thôi thúc chị Lê Minh Thu, người phụ nữ Hà Nội đang gắn bó và xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình, dốc lòng kết nối, vận động người thân, bạn bè hỗ trợ làm giếng, mang đến dòng nước mát cho bà con vùng hạn Sơn Hòa.

 

Đây rồi nguồn nước quý!

 

Đưa tay cắm phích điện, đợi chừng 20 giây, dòng nước mát trong lành chảy ra đường ống từ dưới giếng khoan gần 120m, vợ chồng anh Nguyễn Sâm (thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) vui mừng khôn xiết: “Vậy là đã qua rồi những ngày mua nước với giá đắt đỏ, qua rồi những ngày nhịn tắm; chắt chiu giặt giũ…”. Lúc nắng hạn, con người còn vậy thì cây cối làm sao khỏi “khát”? Chỉ tay về phía đám đất cạnh nhà, anh Sâm tiếc hùi hụi: “Có nước sớm hơn thì cứu được vườn tiêu này rồi, giờ vườn như đất bỏ hoang”. Nói vậy thôi chứ nhìn vẻ mặt hân hoan của đôi vợ chồng này cũng đủ hiểu họ quá vui khi có giếng nước sinh hoạt đặt tại nhà mình.

 

Trong khuôn viên nhà anh Sâm cũng đã có hai giếng đào sâu tầm 10-15m, nhưng đáy chỉ toàn rác. Chủ nhà cho biết, giếng đào sử dụng được một thời gian ngắn thì khô nước. Cứ nghĩ đến cảnh trước đây mỗi tuần gọi mua 2 khối nước giá 100.000-120.000 đồng, cả nhà phải dùng tiết kiệm cho tất tần tật mọi sinh hoạt mà vợ chồng anh Sâm ngán ngẩm. Chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên hỗ trợ mỗi giếng nước 30 triệu đồng, nhưng ở Sơn Định đào giếng trong mùa nắng làm gì có nước nên chính quyền địa phương triển khai làm giếng khoan đặt tại nhà anh Sâm, chi phí lên tới 45 triệu đồng. Trước mắt, những hộ dân xung quanh sử dụng nước góp thêm tiền vào vốn đối ứng, sau sẽ nhân rộng ra các hộ khác. Bà Ngân, ông Tùng, ông Phí, ông Châu… ở quanh đó đều rất phấn khởi khi kéo ống dẫn nước từ giếng khoan về tận nhà mình. Họ nhẹ nhõm vì mỗi chiều đi làm rẫy về không còn lo chuyện thiếu nước nữa.

 

Đi cùng đoàn nghiệm thu giếng, ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh xúc động: “Xưa tôi công tác ở vùng này, giờ nghe bà con “khát” mà thấy không yên. Một ý tưởng thật hay của cô Thu và chương trình “Nhịp cầu nhân ái” đã giúp bà con có được nước sinh hoạt. Nhìn họ vui mà tôi cảm kích tấm lòng của những người cho đi”.

Gần 15 năm qua, hơn 300 hộ dân ở xã Sơn Định phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trong mùa hạn. Theo dõi việc khoan giếng cho bà con sử dụng, ông Đào Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Định phấn khởi: “Thấy bà con vui, mình vui lây. Cảm ơn các nhà hảo tâm, nhất là gia đình chị Lê Minh Thu”.

 

Chiều về. Giếng nước tại xóm giữa ở buôn Ma Giấy (xã Phước Tân) rộn ràng tiếng phụ nữ, trẻ em đến tắm giặt. Giếng sâu chừng 10m, nước trong veo, mát lạnh. Hơn một tháng kể từ ngày xóm có giếng nước, hơn 30 hộ dân nơi đây không còn cảnh trẻ đi gùi nước bên sông và cũng giảm dần cảnh chiều chiều cuốc bộ đến giếng khoan duy nhất trong thôn để được ông trưởng thôn chia phần mỗi hộ hai can nhựa nhỏ. Giờ đây, họ tắm giặt thoải mái mà không còn chút lo lắng.

 

Hơn 30 hộ dân đồng bào thiểu số ở hai vùng thuộc thôn Suối Bạc (xã Suối Bạc) hơn tháng nay yên tâm vì có nguồn nước sạch từ 2 giếng nước được tài trợ. Chị So Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bạc vui mừng nói: “Có giếng nước cho bà con thì quý lắm, kể cả mùa hạn lẫn mùa mưa. Lúc trước, ở đây chỉ có 2 giếng nước bị nhiễm phèn từ lâu, bà con vẫn dùng mặc dù nước không sạch”.

 

Không thể tả hết niềm vui của bà con và các em nhỏ ở những nơi được trao giếng. Và họ đã chờ đến giây phút được vục tay vào dòng nước mát lành.

 

 

Người dân buôn Ma Y (xã Phước Tân) phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước mát lành từ giếng được tài trợ. Ảnh: VŨ HOÀNG

Nối nhịp cầu nhân ái

 

Cách đây hơn 3 tháng, chị Lê Minh Thu cùng chồng đi lên buôn Gia Trụ, xã Phước Tân để tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua trao đổi với một số anh em bộ đội đóng quân ở đó, họ biết nơi này đang rất “khát”, đặc biệt năm nay hạn hán kéo dài nên bà con vô cùng vất vả. Vợ chồng chị Thu hứa sẽ cho xã Phước Tân một giếng nước theo đề xuất của cán bộ xã là 30 triệu đồng.

 

Trong những chuyến đi thiện nguyện trước đó, thấy bà con thiếu nước và thiếu lương thực, chị Thu rất thương. Chị nghĩ đến trẻ con, chị em phụ nữ mà không có cả nước để vệ sinh cá nhân thì tội quá. Có những đứa trẻ phải “nhịn” tắm 1-2 tuần vì không có nước. Có những em, mùa hè của tuổi thơ là những hành trình dài hàng cây số vào rừng, lên nguồn lấy nước dưới trời nắng gắt để có dùng...

 

Khi biết Sơn Hòa năm nay có 6 xã thiếu nước trầm trọng, chị Thu luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con. Chị mạnh dạn kêu gọi sự chung tay của bạn bè, người thân… Chị liên hệ với phóng viên Lê Thoại Kỳ (Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, phụ trách chương trình “Nhịp cầu nhân ái”) để khảo sát và làm việc với địa phương, đồng thời vận động thêm các nhà hảo tâm khác. “Mình cố gắng giúp được bà con đến đâu thì giúp. Không thể đi hết, đành tìm đến những nơi gọi là khô hạn nhất”, chị Thu chia sẻ.

 

Rồi chị về nói chuyện với một số bạn bè ngoài Hà Nội, họ thống nhất sẽ tặng 3 giếng cho bà con, sau đó cố gắng nâng lên thành 4 giếng. Qua lời kêu gọi của chị Thu, thấu hiểu và mong muốn được chia sẻ với bà con, họa sĩ Ngô Đình Bảo Vi và họa sĩ Phan Hải Bằng cùng các anh chị em Vườn Trúc Chỉ Huế đã gửi tặng 6 bức tranh trúc chỉ để bán gây quỹ xây giếng nước. Toàn bộsốtiền bán tranh xây được 5 giếng giúp bà con vùng hạn hán. Nhóm Thiện nguyện NO5 Trung Hòa Nhân Chính - Hà Nội cũng đồng hành với chị Thu để xây những giếng tiếp theo.

 

Chị Thu bảo, chưa có chương trình từ thiện nào mà chị hồi hộp, lo âu rồi vỡ òa niềm vui như chương trình đào giếng này, bởi không phải đào giếng là có nước. Chị vui khi đến đâu cũng nghe “có nước tốt lắm” rồi tận mắt thấy những gàu nước đầy, mát rượi. “Nhìn hình ảnh các em vừa tắm vừa nô đùa dưới dòng nước được đưa lên từ lòng đất, thật sự chúng tôi đã không kìm được xúc động. Vui nhất là những tấm lòng hảo tâm đã cùng đồng hành để mang nguồn nước ước mơ về với bà con...”, chị Thu thổ lộ.

 

Trong tháng 8 và 9 vừa qua, đại diện chương trình “Nhịp cầu nhân ái” của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên phối hợp cùng gia đình chị Lê Minh Thu, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Phú Yên và chính quyền các địa phương trao 11 giếng nước cho các vùng hạn hán trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hòa với mức hỗ trợ hơn 320 triệu đồng. Tất cả các công trình sau khi khánh thành được giao cho UBND các xã quản lý để giúp bà con khai thác, sử dụng đạt hiệu quả cao nhất.

 

Anh Lê Thoại Kỳ nói: “Tôi thật sự rất hạnh phúc và biết ơn những nhà hảo tâm đã cùng chung tay giúp đỡ bà con ở những vùng hạn hán có được giếng nước. Cảm ơn rất nhiều đến tấm lòng cùng sự vận động của chị Lê Minh Thu. Những giếng nước này rất quý, có giá trị lâu dài, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, góp phần hạn chế bệnh tật, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con”.

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek