Công tác DS-KHHGĐ có vai trò rất quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), cung cấp các biện pháp tránh thai cho người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Để làm tốt công tác này, cán bộ quản lý cần tìm hiểu những phong tục tập quán của họ để có thể đề ra những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất.
Tập tục về sinh đẻ và sử dụng các biện pháp tránh thai của đồng bào DTTS ở các huyện miền núi có nhiều điểm khác biệt so với người Kinh ở đồng bằng. Do đi làm rẫy xa, không gần các trạm y tế nên khi sinh đẻ, phụ nữ DTTS thường nhờ vào các bà đỡ, bà lang hoặc tự mình làm hết mọi việc.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà
Chị Văn Thị Gái, cộng tác viên dân số thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, chia sẻ: “Đặc thù của Suối Biểu là vùng đồng bào DTTS, do phong tục tập quán khác nhau cho nên muốn bà con nghe theo thì mình phải hiểu rõ phong tục tập quán của họ, lúc ấy thì việc tuyên truyền sẽ dễ dàng hơn”.
Còn chị Trần Thị Mỹ Cảnh, cán bộ DS-KHHGĐ và trẻ em xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, cho biết: Xã Sơn Định có gần 400 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có gần 320 chị áp dụng các biện pháp tránh thai. Để tuyên truyền cho chị em hiểu thế nào là CSSKSS, đặc biệt là đối với chị em người DTTS, rất khó. Chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có khi tối muộn họ mới từ rẫy về, lúc đó mình đến để giảng giải cho họ hiểu về KHHGĐ; mà không phải đi một lần là được, có hộ, phải đi từ 5-7 lần mới yên tâm”.
Điều khó khăn thường gặp nhất trong công tác CSSKSS là chị em thường đi làm cho đến gần ngày sinh và có trường hợp sinh ngay tại rẫy. Những trường hợp này, không phải ai cũng may mắn được mẹ tròn con vuông.
Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Trưởng Trạm y tế xã Sơn Định cho biết: Trước kia, bà con đồng bào DTTS ở đây còn nhiều khó khăn, tư tưởng sinh đẻ rất “thoáng”. Họ thích thì đẻ, có khi đẻ tại nhà hoặc tại rẫy, rồi tự cắt dây rốn... nên tỉ lệ trẻ sinh ra tử vong cao. Nay, nhờ công tác tuyên truyền tốt nên chị em ý thức hơn trong việc sinh đẻ, CSSKSS.
Dần thay đổi nhận thức
Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hai Riêng Hờ Chăm chia sẻ. “Cái khó trong việc tuyên truyền dân số cho người đồng bào DTTS, đó là dù sống trong một gia đình theo chế độ mẫu hệ, nhưng việc quyết định sử dụng biện pháp tránh thai nào lại phụ thuộc vào người đàn ông. Vì thế, việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của người đàn ông trong gia đình về các biện pháp tránh thai gặp không ít khó khăn”.
Để giúp chị em vùng đồng bào DTTS hạn chế tỉ lệ tử vong ở mẹ và con lúc mới sinh, chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại an toàn và phù hợp, thời gian qua, Trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương miền núi trong tỉnh đã chủ động tuyên truyền, tư vấn, cung cấp các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ và cung cấp gói đẻ sạch cho phụ nữ người DTTS. Hiện nay, đa số phụ nữ trẻ tuổi, sinh con lần đầu đều đến các trạm y tế xã để sinh cho an toàn và đảm bảo sức khỏe. Nhiều chị đã có 2 con trở lên chủ động đến trạm y tế đặt vòng và đến Bệnh viện Đa khoa huyện để triệt sản.
Mí Tý ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), có 4 con, điều kiện kinh tế khó khăn nên đã chủ động đi triệt sản để có thời gian làm ăn, nuôi dạy con tốt hơn, cho hay: “Do mình sinh con đông, khổ quá nên khi cán bộ dân số tới nhà tuyên truyền thì mình đồng ý đi triệt sản. Nếu không làm điều này mình sợ sẽ tiếp tục sinh thêm con sẽ khổ hơn nữa”.
Theo ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), trong công tác DS-KHHGĐ, hàng năm chi cục đều chỉ đạo trung tâm DS-KHHGĐ các huyện lên kế hoạch truyền thông rõ ràng, cụ thể từ nội dung, hình thức, đối tượng; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác DS-KHHGĐ. Đặc biệt, khi tuyên truyền cho người đồng bào DTTS, nếu nắm bắt được những phong tục tập quán của họ sẽ giúp đội ngũ tuyên truyền dễ dàng tiếp cận hơn. Ngoài ra, chi cục và các trung tâm DS-KHHGĐ còn tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân, đa dạng các loại hình cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; nâng cao sự hiểu biết về phong tục tập quán, đặc điểm tâm lý của bà con cho các cán bộ chuyên trách, đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở để bà con tin tưởng, chia sẻ.
Để tuyên truyền cho chị em hiểu thế nào là CSSKSS, đặc biệt là đối với chị em người DTTS, rất khó. Chúng tôi phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có khi tối muộn họ mới từ rẫy về, lúc đó mình đến để giảng giải cho họ hiểu về KHHGĐ; mà không phải đi một lần là được, có hộ, phải đi từ 5-7 lần mới yên tâm.
Chị Trần Thị Mỹ Cảnh, cán bộ DS-KHHGĐ và trẻ em xã Sơn Định |
KIM CHI - NGỌC LY