Thứ Bảy, 21/09/2024 03:36 SA
Nỗ lực thực hiện các mục tiêu Chương trình hành động dân số
Thứ Năm, 11/07/2019 10:00 SA

Khám sàng lọc trước sinh, góp phần hạn chế bệnh tật, nâng cao chất lượng dân số. Ảnh: KIM CHI

“25 năm sau Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm đạt được những nội dung đã cam kết” là chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm 2019 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. Đây là một chủ đề hoàn toàn phù hợp với định hướng của Hội nghị Thượng đỉnh về dân số và phát triển sẽ được tổ chức tại Nairobi từ ngày 12-14/11/2019.

 

Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994 đã đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá. Nội dung của hội nghị đã giúp chúng ta hình dung được một cách toàn diện hơn về cách thức mà thế giới nhìn nhận về dân số, phát triển và quyền sinh sản.

 

Sự chuyển dịch về mô hình

 

Tại thời điểm năm 1994, chỉ khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện nay, tỉ lệ này là 37%. 25 năm trước, tỉ lệ tử vong của phụ nữ khi mang thai hoặc khi sinh tại các nước kém phát triển nhất xấp xỉ 8/1.000 phụ nữ. Hiện nay, tỉ lệ này đã giảm xuống một nửa. 25 năm trước, số con trung bình của một phụ nữ tại các quốc gia kém phát triển nhất là 6 con/phụ nữ. Hiện nay, một phụ nữ tại các quốc gia này chỉ có tối đa là 4 con. Mặc dù chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song vẫn còn rất nhiều công việc phải thực hiện và phải vượt qua thách thức để có thể đạt được các cam kết đã đưa ra tại ICPD.

 

Năm nay, chủ đề của Ngày Dân số thế giới của Việt Nam được lấy tên gọi: “Việt Nam - 25 năm thực hiện Chương trình hành động ICPD Cairo, 1994”. Cách đây 25 năm, tại Chương trình hành động ICPD mà Việt Nam tham gia ký kết đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển, kêu gọi lồng ghép đầy đủ các vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển, vào công tác lập kế hoạch, ra các quyết định và phân bổ nguồn lực ở các cấp, các vùng. Vấn đề này được nhấn mạnh bởi vì các chỉ tiêu dân số, bao gồm tỉ lệ tăng dân số, cơ cấu tuổi, mức sinh, mức chết, di cư... đều ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của phát triển con người, kinh tế và xã hội.

 

Trong thời gian qua, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

 

Dân số nước ta năm 2018 khoảng 95 triệu người. Ước tính quy mô dân số đã giảm được khoảng 20 triệu người nhờ có các chính sách DS-KHHGĐ phù hợp trong thời gian qua.

 

Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỉ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%. Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỉ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ trên 27% năm 1993 lên 56% năm 2016; lao động nông nghiệp giảm từ trên 72% xuống còn 44%.

 

Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70%. Giai đoạn dân số vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dự kiến sẽ kéo dài khoảng 30-40 năm, tối đa là 45 năm.

 

Công tác tuyên truyền, giáo dục dân số có bước đột phá. Truyền thông về DS-KHHGĐ được xác định là một giải pháp cơ bản, triển khai sâu rộng, thường xuyên ở tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, cộng đồng, gia đình và từng cặp vợ chồng. Nội dung tuyên truyền thiết thực, sinh động, dễ hiểu đã được đưa vào các cuộc thi, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giáo dục trong và ngoài nhà trường. Hình thức, sản phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, chất lượng ngày càng cao, phù hợp với từng nhóm đối tượng và lứa tuổi.

 

Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” kiên trì, thường xuyên, liên tục tuyên truyền vận động đến từng cặp vợ chồng, từng gia đình. Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Hàng chục ngàn câu lạc bộ, mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ hoạt động hiệu quả ở mọi vùng miền.

 

Định hướng trong thời gian tới

 

Hiện nay, nhiều vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là, quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng; mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; tỉ số giới tính khi sinh đang ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng; di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước; thời kỳ dân số vàng đan xen với già hóa dân số với tốc độ rất nhanh... Đặc biệt, chất lượng dân số còn hạn chế.

 

Từ năm 2018 đến nay, công tác dân số Phú Yên chuyển sang mục tiêu chính là triển khai toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số.

Do đó trong thời gian tới, công tác dân số cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

 

Tại Phú Yên, với đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở, công tác DS-KHHGĐ thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Kết quả giảm sinh và ổn định quy mô dân số nhanh hơn so với mục tiêu đề ra; quan niệm về hôn nhân và sinh đẻ của người dân có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng có nhiều người kết hôn muộn, đẻ thưa, đẻ ít để nuôi con khỏe, dạy con ngoan.

 

Trong 25 năm qua, công tác DS-KHHGĐ Phú Yên dù có thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhưng với sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã giúp tỉ suất sinh từ 36,9‰ (năm 1989) giảm còn 11,5‰ (năm 2018); tương ứng, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ hơn 4 con xuống còn 2,02 con (năm 2018), thấp hơn mức sinh thay thế.

 

Tỉ suất sinh giảm, tuổi thọ ngày càng tăng. Cách đây 30 năm, tuổi thọ trung bình của người dân Phú Yên chỉ đạt 60 tuổi, đến năm 2018 tăng lên 73,5 tuổi. Công tác DS-KHHGĐ đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

LÊ BI - KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek