Thứ Hai, 23/09/2024 19:20 CH
Nắng nóng kéo dài, người dân thiếu nước sinh hoạt
Thứ Ba, 04/06/2019 06:31 SA

Các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra tình hình thiếu nước tại một giếng đào ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) - Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, do nắng nóng kéo dài nên nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh thiếu nước sinh hoạt. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân sử dụng.

 

Theo Sở NN-PTNT, nắng nóng trên địa bàn tỉnh năm nay xảy ra sớm (từ giữa tháng 3/2019), nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa trong mùa khô năm 2019 thấp so với cùng kỳ và có khả năng thiếu hụt nước từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.

 

Nắng nóng kéo dài đã làm các nguồn nước cạn kiệt, mực nước ngầm cũng sụt giảm, nhiều giếng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bị khô cạn. Hiện có khoảng 10.000-12.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng và thiếu nước sinh hoạt, nhất là các địa phương miền núi và các vùng dân cư ven biển.

 

Mua nước giá cao

 

Tại huyện Tuy An, một số xã ven biển như An Hòa, An Cư đã có nhiều khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, nhiều giếng nước bị cạn, người dân không có nước sinh hoạt phải mua nước. Một mét khối nước ở đây có giá khoảng 30.000-40.000 đồng.

 

Ông Trương Hồ ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, cho biết: Bình thường, tại các xã ven biển của huyện Tuy An, nguồn nước sinh hoạt lâu nay đã thiếu. Năm nay, nắng nóng kéo dài, nước sinh hoạt càng thiếu trầm trọng. Hiện hầu hết giếng nước trong thôn đều khô cạn, hơn 70% hộ dân thiếu nước sinh hoạt, người dân ở đây phải mua nước với giá rất cao để sử dụng. Trung bình mỗi tháng, mỗi hộ dân ở đây phải chi từ 300.000-500.000 đồng để mua nước dùng…

 

Còn theo ông Trần Đình Nam ở thôn Phú Tân 1, xã An Cư, người cung cấp nước sinh hoạt ở đây, mấy năm nay, cứ vào mùa khô, hầu hết giếng nước trong thôn đều khô cạn, người dân không đủ nước uống. Trước tình hình này, gia đình ông Nam đặt làm một bồn chứa nước và sử dụng xe công nông để đến các địa phương khác chở nước sạch về sử dụng và bán lại cho những người cần.

 

“Vì nước chở ở xa và cũng phải mua, cộng với tiền xăng dầu vận chuyển nên giá thành một khối nước về đến đây rất cao. Do đó, chúng tôi phải bán giá cao để bù lại chi phí…”, ông Nam nói.

 

Ông Tiếu Văn Cừ, Chủ tịch UBND xã An Cư, cho biết: Đã hơn 1 tháng qua, những ngày nắng nóng, ở thôn Phú Tân 1 có gần 10 xe chở nước bán cho người dân. Nếu nắng nóng tiếp tục diễn biến gay gắt, có khả năng hơn 10.000 hộ dân trong xã sẽ thiếu nước sinh hoạt.

 

Còn tại các địa phương miền núi, tình trạng nắng nóng kéo dài cũng đã làm nhiều khu dân cư thiếu nước sinh hoạt. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kéo dài làm cho mực nước sông, suối, nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều giếng nước của dân khô cạn, gây thiếu nước sinh hoạt cục bộ ở một số nơi.

 

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có khoảng 1.600 hộ ở 19 thôn thuộc 5 xã bị thiếu nước sinh hoạt gồm Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 và Xuân Lãnh. Còn theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, nắng nóng kéo dài, các nguồn nước bị cạn kiệt và sụt giảm, một số giếng nước trên địa bàn bị khô cạn hoặc nhiễm mặn. Hiện có khoảng 2.000 hộ dân ở vùng miền núi và ven biển trên địa bàn TX Sông Cầu có khả năng thiếu nước sinh hoạt…

 

Chủ động cấp nước sinh hoạt cho dân

 

Ông Lương Công Tuấn cho biết: Thị xã đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn khẩn trương kiểm tra một số hệ thống cấp nước sinh hoạt và các giếng nước của dân, nếu bị ảnh hưởng hạn hán không đủ nước thì tiến hành các biện pháp cấp nước bổ sung như đào sâu thêm các giếng, nạo vét khơi thông làm sạch đầu nguồn nước, vận hành cấp nước hợp lý, trữ nước sinh hoạt đối với những nơi có điều kiện. Các địa phương cần chủ động khoan giếng, đào giếng, thuê xe bồn chở nước sạch cấp cho người dân đối với các khu dân cư thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô này.

 

Còn theo ông Phạm Trung Chánh, huyện Đồng Xuân đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan quan tâm phân bổ và hỗ trợ kinh phí hơn 2,3 tỉ đồng để địa phương chủ động khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên địa bàn.

 

Theo đó, hỗ trợ cho người dân có giếng bị khô cạn đào sâu thêm khoảng 150 giếng tại 5 xã, với kinh phí khoảng 450 triệu đồng; hỗ trợ để khoan, làm mới 19 giếng, với kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng; hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa 5 giếng khoan với kinh phí khoảng 150 triệu đồng.

 

Đối với xã Xuân Quang 3, hiện địa phương này có hai công trình cấp nước tập trung tại thôn Phước Nhuận và Thạnh Đức, cấp nước cho khoảng 500 hộ dân. Tuy nhiên, do một số tuyến ống đã bị xuống cấp nên cần khoảng 400 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp đáp ứng cấp đủ nước cho người dân sử dụng.

 

Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Với tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ NN-PTNT, KH-ĐT, Tài chính hỗ trợ kinh phí khoảng 58 tỉ đồng cho Phú Yên triển khai chống hạn năm 2019. Trong đó, tỉnh kiến nghị hỗ trợ khoảng 13 tỉ đồng để khoan mới, khôi phục các giếng khoan và giếng đào, đào thêm giếng mới để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

 

Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh kiểm tra, nắm bắt tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt tại địa phương mình, chủ động triển khai các giải pháp chống hạn và có báo cáo, đề xuất để trung tâm kiến nghị Sở NN-PTNT và UBND tỉnh triển khai hỗ trợ các giải pháp phòng chống hạn, nhất là giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân.

 

UBND tỉnh vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khẩn trương nắm bắt tình hình thiếu nước sinh hoạt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đề xuất biện pháp cấp nước thích hợp để người dân sử dụng. Đối với các địa phương, đơn vị quản lý công trình cấp nước tập trung cần kiểm tra hệ thống cấp nước, các giếng nước của dân, nếu ảnh hưởng hạn hán không đủ nước thì tiến hành các biện pháp cấp nước bổ sung như đào sâu thêm giếng, nạo vét khơi thông làm sạch đầu nguồn nước, vận hành cấp nước hợp lý, vận chuyển nước đến các điểm dân cư thiếu nước sinh hoạt để cấp cho dân. Ngoài ra, các địa phương cần chủ động khoan thêm giếng, đào giếng mới, mua can đựng nước, thuê xe bồn chở nước sạch cấp cho người dân dùng trong thời điểm hạn hán không còn nguồn nước sinh hoạt.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek