Đây là một trong những nội dung tại công văn vừa được Bộ LĐ-TB-XH ban hành đề nghị UBND các tỉnh, thành tăng cường trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Năm 2018, tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện đề án Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2018-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.
Theo thống kê, hiện trên toàn tỉnh có hơn 39.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hơn 20.000 đối tượng có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ…
Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị. Hầu hết hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... đã được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, nhà ở, đào tạo nghề, trợ cấp xã hội thường xuyên, trợ cấp đột xuất…
Bà Đỗ Thị Lan, 42 tuổi, hộ nghèo ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: “Chồng bỏ đi, bản thân tôi lại đau bệnh liên miên nên sức khỏe suy yếu. May còn có con gái học lớp 9 và có chính quyền xã quan tâm hỗ trợ mỗi tháng mấy trăm ngàn đồng, sửa chữa nhà cửa, rồi Tết hỗ trợ gạo, bánh kẹo… nên mẹ con tôi cũng ấm lòng”. Em Trần Văn Trọng, 15 tuổi, ở xã An Xuân (huyện Tuy An) bị bệnh khớp và bệnh về máu, hiện đang sống với mẹ. Bao năm qua cũng nhờ có nhiều chương trình thiện nguyện, các tấm lòng hảo tâm hỗ trợ mà mẹ con em cố gắng vượt qua nghịch cảnh.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hình thức chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại cộng đồng chưa phát triển mạnh. Số trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc thay thế tại gia đình, cộng đồng còn ít. Công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức về chính sách an sinh xã hội, trẻ em, bình đẳng giới, ma túy, mại dâm, công tác giảm nghèo ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thường xuyên.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) nói: Trước thực trạng công tác trợ giúp xã hội còn hạn chế, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2018-2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu xây dựng và phát triển hệ thống trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội ngang tầm các tỉnh trong khu vực và cả nước, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả. Đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội về trợ giúp xã hội; tăng tỉ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ và quản lý từ các cơ sở trợ giúp xã hội tăng lên 30% vào năm 2020; tiếp tục thí điểm các mô hình cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ công tác xã hội.
Theo ông Võ Văn Binh, năm 2019, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn và phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội; xây dựng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội toàn diện để trợ giúp cho các đối tượng có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn bảo đảm không bỏ sót đối tượng thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
HOÀNG LÊ