Triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên xác định công tác DS-KHHGĐ là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân, gia đình và có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu
Theo Nghị quyết 21, vấn đề trọng tâm của dân số trong tình hình mới là “chuyển trọng tâm từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; công tác truyền thông vận động phải được cụ thể hóa trong từng khu vực, địa phương chứ không phải theo một khẩu hiệu chung toàn quốc; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có đủ 2 con”, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...
Triển khai nghị quyết này, năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ngành Dân số xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Ông Lê Văn Bi, Trưởng Phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), cho biết: Sau tổng điều tra dân số vào tháng 4/2009, Phú Yên đã đạt dưới mức sinh thay thế (tỉ suất sinh thô: 15,96‰, tổng tỉ suất sinh: 1,96 con).
Công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn mới đã kết hợp giảm sinh bền vững và từng bước nâng cao chất lượng dân số, đạt được một số kết quả như: Tuổi thọ bình quân của người dân Phú Yên tăng dần (năm 2010 là 70,1 tuổi, năm 2018 là 73,5 tuổi), tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và tử vong bà mẹ giảm (năm 2010 là 70/100.000 trẻ, năm 2018 là 56,3/100.000 trẻ).
Hiện tại, ngành Dân số tỉnh tiếp tục triển khai 5 đề án về nâng cao chất lượng dân số, gồm: Tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên/thanh niên; Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Dù triển khai nhiều chương trình dự án, nhưng công tác dân số trong tình hình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Toàn tỉnh đã đạt dưới mức sinh thay thế vào năm 2009 (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), nhưng hiện nay tăng lên 2,26 con; mức sinh giữa các huyện, thị xã, thành phố còn chênh lệch nhiều.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao (109 bé trai/100 bé gái); chưa khai thác, phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và chưa có giải pháp thích ứng với già hóa dân số; chất lượng dân số, tầm vóc, thể lực được cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Thực trạng quan hệ tình dục sớm, phá thai không an toàn ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng; tảo hôn còn nhiều; phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở các khu công nghiệp còn hạn chế...
Trong khi đó, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở địa phương hiệu quả chưa cao, chậm đổi mới, nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chủ yếu tập trung vào KHHGĐ. Nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển chưa đáp ứng với yêu cầu. Nhận thức và hành động của một số cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và người dân vẫn còn nặng về KHHGĐ, chưa chú trọng đến các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số...
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Theo ông Lê Văn Bi, năm 2018, Chi cục DS-KHHGĐ và Trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương xây dựng và tổ chức tuyên truyền các nội dung công tác dân số trong tình hình mới đến cộng đồng, người dân, các nhóm đối tượng liên quan như: phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi, vị thành niên/thanh niên với gần 2.000 người tham dự; cấp huyện, xã tổ chức cho khoảng 120.000 người tham dự.
Ngành Dân số tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Bộ đội Biên phòng, Bộ CHQS, LĐLĐ, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên, MTTQ, ngành Giáo dục tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các nhóm đối tượng của mỗi đơn vị phụ trách các nội dung về công tác dân số trong tình hình mới.
Bà Nguyễn Thị Rơi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tây Hòa, cho biết: “Trong năm qua, công tác DS-KHHGĐ của huyện đạt nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cán bộ làm công tác dân số từ huyện đến xã, thị trấn đang cố gắng thực hiện nhiều biện pháp để đạt và vượt các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu giảm sinh, giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, kiềm chế gia tăng tỉ số giới tính khi sinh và từng bước nâng cao chất lượng dân số”.
Để thực hiện được các mục tiêu trong Nghị quyết 21, trong thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung tăng cường các giải pháp đồng bộ, đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: Năm 2019, chúng tôi xác định công tác truyền thông vẫn là giải pháp chính để thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Trong đó, truyền thông thực hiện cuộc vận động “Mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con”, nhưng tùy theo địa bàn, đối tượng mà có sự thay đổi trong vận động.
Cụ thể, vận động sinh ít con ở các vùng có mức sinh cao; vận động sinh đủ 2 con ở những địa bàn mức sinh thấp và duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế. Tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành quán triệt và triển khai tinh thần, nội dung của Nghị quyết 21 sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tích cực kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đủ sức thực hiện chức năng quản lý điều hành và đảm nhiệm vai trò điều phối hoạt động của các cơ quan liên quan trong lĩnh vực dân số. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp theo định hướng Dân số và Phát triển, phát huy tối đa sự chủ động của địa phương, đơn vị.
KIM CHI - VĂN SA