Bằng các mô hình sáng tạo, ý nghĩa, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Nhiều tổ chức Hội cơ sở thực sự trở thành mái nhà chung của hội viên phụ nữ.
Sức hút từ những mô hình sáng tạo
Xuân Sơn Bắc là xã thuần nông của huyện miền núi Đồng Xuân, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên phần lớn chị em lo làm ăn, ít có thời gian tham gia sinh hoạt Hội. Việc tập hợp, thu hút phụ nữ đến với tổ chức Hội gặp không ít trở ngại, đây cũng là tình trạng chung của nhiều cơ sở Hội ở vùng nông thôn, miền núi.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách cấp huyện có 37 chị, cấp xã có 223 chị. Toàn tỉnh có 112 tổ chức Hội cơ sở, 630 chi hội, 1.928 tổ phụ nữ. Trong năm, các cấp Hội phát triển mới 3.491 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên trên 146.200 người. Hội cũng từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động Hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; thực hiện hiệu quả vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho chị em; tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ ở các địa phương. |
Trước thực tế đó, Hội LHPN xã Xuân Sơn Bắc luôn tìm cách đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và tạo sân chơi bổ ích cho phụ nữ địa phương tham gia. Chính vì vậy, mô hình “3 được” của Hội LHPN xã Xuân Sơn Bắc ra đời, đem lại hiệu quả thiết thực và nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cán bộ Hội các cấp.
Chị Lưu Thị Thấm, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Sơn Bắc cho biết: Với mô hình “3 được” (được thể hiện, được kiến thức, được biểu dương), chị em đi sinh hoạt Hội được trao đổi, chia sẻ, thể hiện mình. Đặc biệt, chị em được Hội biểu dương khi mạnh dạn chia sẻ kiến thức; và nếu chia sẻ kiến thức đúng thì sẽ được một phần thưởng nho nhỏ như dầu ăn, đường, bột giặt… được trích từ nguồn kinh phí sinh hoạt Hội.
Chị Thấm mỉm cười: “Cán bộ Hội chúng tôi luôn nghĩ cách đặt câu hỏi làm sao để kích thích chị em lắng nghe nội dung truyền thông. Từ đó, chị em có thể đưa ra câu trả lời đúng, có được phần thưởng”. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ ở các chi hội luôn có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội LHPN xã đến tận nơi triển khai, phổ biến công việc của Hội. “Nhờ “theo sát” cơ sở mà chúng tôi nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nhu cầu để hỗ trợ, định hướng chị em ở các thôn kịp thời”, chị Thấm chia sẻ.
Bây giờ, các chị Võ Thị Thanh, Trần Thị Sương cũng như nhiều chị em khác ở xã Xuân Sơn Bắc hôm nào không đi sinh hoạt Hội dù vì một lý do nào đó rất chính đáng cũng đều cảm thấy tiếc. Bởi theo chị Sương, tham gia những buổi sinh hoạt đó, ngoài việc được tuyên truyền kiến thức, chị em còn được hát, kể chuyện, thể hiện bản thân và tham gia trò chơi đố vui có thưởng...
Những tiếng hát, tiếng cười và những tình cảm ấm áp của Hội như giúp chị em xua tan những mệt mỏi, âu lo thường nhật. Bản thân họ không những ngày càng tự tin nói chuyện trước đám đông, gắn kết hơn với mọi người, mà còn tích lũy nhiều kiến thức hữu ích để nuôi dạy con, xây dựng gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc cũng như đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở quê mình.
Ngoài mô hình “3 được” của Hội LHPN xã Xuân Sơn Bắc, mô hình “Ngày chị sinh” của Hội LHPN xã Xuân Quang 3 cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cán bộ Hội các cấp trong tỉnh. Với những phụ nữ vùng nông thôn quanh năm chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối từng ngày lo miếng cơm manh áo, rất nhiều người trong số họ không nhớ được ngày sinh của mình, việc tổ chức sinh nhật cho bản thân càng là chuyện không tưởng. Vậy mà, có một ngày họ được cắt bánh kem, thổi nến, được nghe các chị em trong thôn hát chúc mừng sinh nhật trong niềm vui, niềm xúc động nghẹn ngào.
Chị Võ Thị Út ở thôn Phước Lộc thổ lộ: Tôi cũng như các chị em trong thôn quanh năm bận bịu lo chuyện làm ăn, gia đình, con cái, đến nỗi quên luôn ngày sinh tháng đẻ của mình. Hội LHPN đã mang lại cho chúng tôi niềm vui bất ngờ. Chúng tôi rất cảm kích. Chính những điều này khiến chị em ngày càng “gần” hơn với tổ chức Hội, háo hức mong chờ đến ngày sinh hoạt Hội.
Chị Lê Thị Bích Nhung, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 3 vui mừng nói: “Từ ngày có mô hình “Ngày chị sinh”, tỉ lệ hội viên phụ nữ xã tham gia sinh hoạt ngày một nhiều hơn. Nếu như trước đây chỉ khoảng 50% thì nay đã thu hút trên 70% phụ nữ tham gia sinh hoạt. Nhờ vậy, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động Hội đến gần hơn với chị em”.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, trong chuyến công tác kiểm tra phong trào Hội trên địa bàn huyện Đồng Xuân trong tháng 11 vừa rồi đã đánh giá rất cao hai mô hình trên. Bà Tuyết ví mô hình “3 được” hay “Ngày chị sinh” như những “liều thuốc tinh thần” của tổ chức Hội dành cho hội viên cơ sở.
Với tính hiệu quả, thiết thực, sáng tạo, ý nghĩa này, hiện hai mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Đồng Xuân và nhiều địa phương khác trong tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều mô hình khác cũng rất lôi cuốn chị em đến với Hội như: mô hình kết nghĩa giữa chi hội người có đạo và chi hội người không có đạo (huyện Sơn Hòa); mô hình tổ chức các hoạt động hái hoa dân chủ, trò chơi có thưởng trong các buổi sinh hoạt tại các chi hội ở TP Tuy Hòa và huyện Sông Hinh…
Tích cực xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Bên cạnh chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và cải tiến hình thức, nội dung sinh hoạt Hội phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng từng nhóm đối tượng phụ nữ, tránh tuyên truyền thông tin một chiều, nội dung đơn điệu; Hội LHPN cũng đặc biệt lưu tâm đến việc phát huy vai trò của hội viên nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các phong trào; công tác xây dựng Mái ấm tình thương, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm; phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em; xây dựng tổ chức Hội, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết cho rằng: “Muốn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thì đội ngũ cán bộ Hội cơ sở phải mạnh, phải nâng cao năng lực thực sự. Chỉ có như thế chị em mới có thể tổ chức được các chương trình, hoạt động thật sự hấp dẫn, thu hút hội viên, phụ nữ đến với Hội. Tổ chức cơ sở hội có vai trò rất quan trọng trong xây dựng Hội vững mạnh. Giống như một cái cây, gốc có vững thì cây mới vững. Cơ sở Hội là nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cần phải phát huy chức năng, vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của Hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ”.
Xác định cơ sở Hội là nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đây cũng là một trong hai khâu đột phá trong năm 2018 mà các cấp Hội LHPN trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đặng Thị Hồng Nga cho biết: Để thực hiện hiệu quả nội dung này, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp thông qua việc phối hợp với Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 600 cán bộ Hội các cấp; trong năm, công tác kiện toàn, củng cố tổ chức Hội được các cấp Hội đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Hội đã kiện toàn, bổ sung 2 ủy viên ban chấp hành Hội LHPN cấp huyện; 3 chủ tịch, 6 phó chủ tịch, 6 ủy viên ban thường vụ, 13 ủy viên ban chấp hành Hội LHPN cấp xã. Trong thời gian tới, các cấp Hội tăng cường công tác triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng, đại hội phụ nữ các cấp gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các đề án tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Đồng thời thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên của Hội gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
NGỌC QUỲNH