Tranh thủ những ngày tạnh ráo giữa mùa mưa, 11 hộ dân xóm Gò Miễu, thôn Phú Thịnh (xã An Thạch, huyện Tuy An) tập trung nhân công quyết tâm làm trong 4 ngày ròng để hoàn thành con đường dài gần 200m nối từ xóm ra đường lớn. Trước đó là cả một cuộc vận động lớn để có kinh phí cho công trình mơ ước này.
1. Xóm Gò Miễu có 11 nóc nhà, nằm cách đường lớn liên thôn mấy đám ruộng. Xóm nhỏ giữa đồng, cứ một cây mưa xuống là lầy lội, mùa mưa coi như bị chia cắt. Vậy mà cuộc sống ở cái xóm nhỏ vẫn cứ tồn tại từ hồi trước 9 năm kháng chiến. Cụ ông Nguyễn Phúc Khôi năm nay đã ngoài 80 tuổi, cho biết: Xóm Gò Miễu có từ hồi tui còn nhỏ. Ban đầu vài nhà, rồi đông dần thành xóm. Nhưng vì ở giữa đồng nên xóm cũng không nhiều nóc nhà. Con đường vào xóm trước đây thật ra là bờ ruộng cái, các hộ trong xóm nới rộng thêm, cứng hóa thành đường đi.
“Vì đường đất, nhỏ, thấp nên mỗi khi mưa xuống là lầy lội, tháng 9, tháng 10 có năm mưa lớn là cả xóm phải lội nước, chống ghe chớ đường ngập lênh láng, trắng đồng”, bà Trần Thị Lợi, một người dân xóm Gò Miễu, nói.
Vậy nhưng, vì đa phần các hộ dân trong xóm đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người già yếu nên việc đóng góp một khoản kinh phí lớn để bê tông đường gần như là điều không thể. Ông Lê Văn Lang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch cho hay, khi tỉnh triển khai đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn, theo phương thức Nhà nước hỗ trợ xi măng thì đường vào xóm không đủ khung tiêu chuẩn (chiều rộng mặt đường dưới 2,5m). Người dân xóm Gò Miễu lại phải tiếp tục chịu cảnh đường đi lầy lội, ngập lụt, tội nhất là mấy cháu nhỏ đi học rất khó khăn, nguy hiểm.
2. Bí thư Đảng ủy xã An Thạch Ngô Tấn Lang đã rất trăn trở về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã, nhất là số đường hẻm xương cá vào các xóm chưa được bê tông còn quá nhiều. Đa phần các con đường này được kết cấu bằng đất ruộng, lầy lội, ngập lụt mỗi khi trời mưa, mặt đường nhỏ, xóm ít hộ dân cư. Chính những đặc điểm này khiến nó chưa được bê tông hóa theo chương trình hỗ trợ trước đây, mà người dân tự góp tiền để làm con đường ngang qua ngõ lại là điều quá sức.
Từ thực tế và tâm tư của người dân xóm nghèo, Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang đưa vấn đề ra cấp ủy bàn để tìm giải pháp. “Bằng cách nào đó, chính quyền phải hỗ trợ một phần kinh phí để người dân cùng tham gia thực hiện. Đường xương cá vào các xóm thì nhiều, chúng ta cần chọn con đường cấp thiết nhất để làm mô hình mẫu, thành công sẽ nhân rộng”, ông Ngô Tấn Lang nhớ lại nội dung, cũng là mục tiêu quan trọng trong cuộc họp Đảng ủy xã. Con đường xóm Gò Miễu được ưu tiên chọn làm mẫu, vì ngoài sự bức thiết của nó, còn là sự trăn trở của bà con trong xóm, đã từng tự vận động làm đường một lần nhưng do cách làm chưa tới nên chưa thành công.
3. Dự toán cho con đường dài hơn 190m, với các thông số kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn đường nông thôn lên đến 74 triệu đồng. Ủy ban MTTQ xã đưa ra toàn dân họp, góp ý. Chủ trương làm đường được người dân nhất trí cao, trừ kinh phí đóng góp. 74 triệu đồng, chia đều cho 11 hộ, số tiền hơn 7 triệu đồng/hộ là con số quá lớn mà hộ khá nhất cũng không thể kham nổi, trong khi đó, 11 hộ xóm Gò Miễu đã có đến 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo, rồi hộ người già, hộ có người bệnh tật kinh niên… Rất khó để có số tiền lớn như vậy, dù con đường là mơ ước của nhiều người, nhiều năm. Đã có những tiếng thở dài như chấp nhận buông bỏ ước mơ về con đường!
Thật ra, trước khi đưa phương án tài chính ra họp dân để xác định mức đóng góp thì Đảng ủy xã đã phân công từng đồng chí tham gia vận động tài chính. Mọi người tận dụng các mối quan hệ và kỹ năng vận động để kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trong và ngoài xã; các tổ chức đoàn thể thì chuẩn bị phương án hỗ trợ nhân công để trực tiếp thi công con đường; đích thân Bí thư Đảng ủy xã Ngô Tấn Lang nhận phần việc vận động tài trợ cát và phối hợp với linh mục Trương Minh Thái ở Nhà thờ Mằng Lăng lo phần sạn…
Từ số tiền phải đóng góp bình quân hơn 7 triệu đồng/hộ, sau khi vận động các nguồn tài trợ đã giảm xuống hơn một nửa. Mỗi hộ đóng góp chưa tới 3 triệu đồng. Nhưng điều này cũng chẳng dễ dàng, vì với những hộ khó khăn, số tiền này cũng không phải nhỏ. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Thạch Lê Văn Lang cho biết: “Xã, thôn đã tổ chức gần chục cuộc họp dân xóm Gò Miễu từ lúc triển khai chủ trương đến phân phối tiền đóng góp. Tất nhiên, không thể chia đều số tiền đóng góp cho tất cả các hộ, nhưng mức tham gia cao, thấp thế nào đều phải được cả xóm thống nhất, đây là vấn đề không dễ. Vì mục đích chính là làm con đường mơ ước, mỗi người đều cố gắng đóng góp phù hợp với hoàn cảnh thực tế, sức mình; không đóng góp được một lần thì chia ra nhiều lần, mỗi nhà góp một người để tham gia thi công công trình”.
Sạn, cát, xi măng hỗ trợ đã tập kết bên đường, máy móc thiết bị cũng mượn sẵn, nhân công từ các hội đoàn thể của xã, nhân công từ 11 hộ xóm Gò Miễu… đều sẵn sàng. Tổ giám sát thi công được cả xóm bầu ra, gồm các ông bà: Phạm Văn Thâm (tổ trưởng), Nguyễn Văn Khiêm (tổ phó), Trần Thị Lợi (thủ quỹ), chọn ngày đẹp mời lãnh đạo xã, thôn xuống phát lệnh thi công. Chỉ trong 4 ngày, con đường bê tông dài gần 200m vào tận cửa ngõ nhà sâu nhất trong xóm đã hoàn thành. Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lê Văn Lang cho biết thêm, vài ngày tới sẽ triển khai trồng trụ, bắt bóng đèn đường cho an toàn, an ninh buổi tối.
Trên gương mặt của những người nông dân xứ đạo, xóm Gò Miễu ai cũng rạng ngời. Trẻ con đùa giỡn trên con đường mới mà không phải lo bùn lầy, lấm láp. “Thật mừng hết nói, có con đường, từ nay dân xóm Gò Miễu không phải lo trơn trượt ngã. Tết này, dân xóm Gò Miễu có đường mới, có điện đường thắp sáng. Có con đường, tuổi già ra đi cũng không lo!”, bà Trương Thị Nhơn, một người dân trong xóm xúc cảm nói. Ông Đinh Văn Khanh, Trưởng thôn Phú Thịnh chia sẻ: “Vui vì bà con xóm Gò Miễu có con đường bê tông sạch đẹp để đi. Mấy ngày nay, người dân các xóm khác trong thôn đều đến xem và cũng mong muốn thôn, xã nhân rộng mô hình này”.
Bí thư Đảng ủy xã An Thạch Ngô Tấn Lang cho biết: “Con đường bê tông xóm Gò Miễu là một trong hai công trình điểm (ngoài công trình xóa nhà tạm cho hộ bà Nguyễn Thị Kim Anh diện nghèo, neo đơn, thôn Hội Tín), lập thành tích chào mừng Đại hội MTTQ xã An Thạch. Sau đây, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận xã sẽ họp rút kinh nghiệm và tiếp tục bàn phương án cho những phần việc tiếp theo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Công trình đường vào xóm Gò Miễu có ý nghĩa rất lớn với người dân nơi đây, còn chúng tôi có được bài học quý, đó là phát huy nội lực từ chính người dân và huy động các nguồn lực hỗ trợ”.
QUỲNH MAI - THẢO LINH