Thứ Bảy, 11/01/2025 22:52 CH
Người đưa thúng chai Phú Mỹ vươn xa
Thứ Sáu, 14/12/2018 09:53 SA

Anh Trung, chị Kiều ngày ngày chẻ tre, ra nan, đan mê, lận vành và những chiếc thúng chai thành phẩm, chờ khách đến lấy - Ảnh: THÁI HÀ

Không phải là người sinh ra ở làng Phú Mỹ, xã An Dân (huyện Tuy An) nhưng nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi cách làm, linh động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Trương Văn Trung (chủ cơ sở sản xuất Trung Kiều) trở thành người tiên phong trong việc giữ gìn và phát triển nghề thúng chai Phú Mỹ hiện nay.

 

Theo ông Võ Văn Phúc, một lão nông ở xã An Dân, khoảng 40 năm trước, ông Bốn Tấn ở xã An Định (huyện Tuy An) về An Dân lập nghiệp, truyền nghề làm thúng chai cho con cháu trong gia đình. Thời điểm đó, người dân khu vực xã An Dân chủ yếu trồng mía và chiếc thúng thí đựng nước mía ép để nấu đường đen là vật dụng không thể thiếu. Vì vậy, ngoài việc học thêm kỹ thuật làm thúng ở các địa phương khác, ông Bốn Tấn cũng dựa trên cấu tạo của chiếc thúng thí để hoàn thiện, thay thế bằng chiếc thúng chai. Hiện ông Bốn Tấn đã mất nhưng nghề này được người dân thôn Phú Mỹ nắm bắt kỹ càng, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân nơi đây. Trong số những người gắn bó được với nghề thúng chai, hiện anh Trương Văn Trung được đánh giá là một người thợ có tay nghề cao, luôn chỉn chu trong công việc.

 

Trước khi trở thành một người thợ làm thúng, anh Trung là dân “tay ngang”, quê xứ Nghệ, làm công nhân cho các công trình cầu đường khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong một lần về thi công một chiếc cầu của xã An Dân, anh Trung gặp chị Trương Thị Bích Kiều rồi bén duyên với vùng đất này. Khi có gia đình, anh Trung học hỏi làm nghề đan thúng và mở hẳn cơ sở sản xuất Trung Kiều, xây dựng thương hiệu đưa sản phẩm thúng chai vươn xa.

 

Mỗi tháng, cơ sở Trung Kiều cung cấp cho thị trường từ 60-70 thúng chai. Công việc của đôi vợ chồng này dường như quanh năm. Chia sẻ về nghề, anh Trương Văn Trung nói: “Để làm ra được 1 chiếc thúng chai cần trải qua rất nhiều công đoạn như: chọn mua tre vừa tuổi, không già cũng không non. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi nắng cho khô để đan mê. Sau khi đan xong phần mê, người thợ đào hầm đất làm khuôn, rồi lận tấm mê lên vành. Khi làm thúng chai, công đoạn nào cũng cần có sự tỉ mỉ; tuy nhiên, lận vành là khâu khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm”... Không như các cơ sở khác chờ đến khi khách có đơn hàng mới bắt tay vào làm thúng, chị Kiều đầu tư mua tre, vót nan, đan mê sẵn, khi có đơn đặt hàng, chị chỉ phải lận vành và hoàn thành các khâu cuối là có thể giao sản phẩm. Anh Trung, chị Kiều còn chủ động quảng bá sản phẩm, nhận nhiều đơn hàng sau đó lấy lại sản phẩm của các hộ đan thúng trong làng, góp phần tạo việc làm, có thu nhập cho bà con.

 

Theo chị Kiều, 6-7 năm trước là thời điểm cực thịnh của thúng chai. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi thúng composite ra đời với ưu điểm gọn nhẹ, thúng chai dần mất đi thị trường. Đứng trước khó khăn đó, nhiều hộ bỏ nghề đan thúng chai vì thu nhập thấp. Tuy nhiên, vợ chồng anh Trung, chị Kiều vẫn duy trì sản xuất, tiếp tục tìm hướng phát triển cho sản phẩm. Nhờ nghề làm thúng chai, hiện gia đình anh Trung đã xây được nhà cửa khang trang, 2 cô con gái được đến trường.

 

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch UBND xã An Dân, làng nghề thúng chai của xã hiện có khoảng 20 cơ sở; tuy nhiên, đa số đều gia công để cung cấp cho cơ sở Trung Kiều. Tuy không phải là người gốc địa phương nhưng anh Trung là người chịu khó, nắm bắt công việc vững vàng nên sản phẩm của gia đình anh đã có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek