Không còn xảy ra mưa lớn trên diện rộng nhưng do lượng nước rút quá chậm, nên hiện nhiều khu vực dân cư vùng trũng thấp ở huyện vẫn còn bị nước lớn gây ngập úng và cô lập.
Tại thôn Tân Long (xã An Cư), nước lớn từ thượng lưu đổ kèm theo tình trạng nước từ đầm Ô Loan nhẩy lên nên đến trưa 25/11, nước lớn gây ngập sâu tại thôn dân cư này từ 0,5-0,7m. Các loại phương tiện không thể lưu thông, người dân hoặc phải lội bộ hoặc phải dùng sõng để di chuyển.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Tuy An, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, địa phương đã có gần 170 ngôi nhà bị ngập. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị xói lở với lượng đất đá bị cuốn trôi hơn 350m3. Có hơn 40ha lúa vụ 10-12 đang vào kỳ làm đòng và hoa màu khác bị nước lớn gây ngập úng, hư hại. Ước tính thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra trên địa bàn huyện Tuy An tính đến thời điểm này là hơn 4 tỉ đồng.
Hiện Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã yêu cầu 16 xã, thị trấn và cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến của cơn bão số 9, không được lơ là, chủ quan; rà soát, thống kê thiệt hại trên địa bàn đảm bảo chính xác nhằm có biện pháp khắc phục; phân công thành viên bám sát địa bàn nhằm triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với mưa lũ; chủ động thực hiện kế hoạch di dời dân cư vùng trũng thấp ven sông, ven suối nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt vào khu vực cao ráo, an toàn để đảm bảo an toàn về người, tài sản của nhân dân; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm kịp thời ứng cứu với các tình huống xấu khi có yêu cầu; tuyên truyền, vận động nhân dân tại các nơi nước đã rút cạn chú trọng vệ sinh nơi ở hộ gia đình, khu dân cư và gia cố tạm thời các điểm bị sạt lở trên các trục giao thông để ổn định cuộc sống và sinh hoạt thường nhật.
KHẮC NHO