Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhất là đối với phụ nữ. Để xóa bỏ tình trạng này trên toàn thế giới, Liên Hợp Quốc chọn ngày 25/11 hàng năm là Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Chống bạo lực đối với phụ nữ
Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc phê chuẩn tháng 12/1979 và có hiệu lực từ tháng 9/1981. Đây là Công ước quốc tế quan trọng và toàn diện nhất về quyền bình đẳng của phụ nữ. Việt Nam tham gia công ước này vào tháng 12/1982.
Theo công ước, ngày 25/11 hàng năm được Liên Hợp Quốc lấy làm Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát vào năm 1960 tại Cộng hòa Dominicana; là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ khắp thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc, phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa đang chịu thiệt thòi mọi mặt, phải chịu bất bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực đời sống gia đình. Đặc biệt là tình trạng bạo lực trong gia đình đối với phụ nữ đang gây nhiều bức xúc trên địa bàn. Bạo lực gia đình được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục…
Ông Phạm Vân Nguyên, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH TX Sông Cầu cho biết, đơn vị đã tiến hành cuộc khảo sát về bạo lực phụ nữ trên địa bàn thị xã, qua đó cho thấy đa số người dân chưa nhận thức đầy đủ về bạo lực gia đình. Bà N.T.M ở xã Xuân Lâm, bức xúc: “Tôi lấy chồng hơn 30 năm, hầu như năm nào tôi cũng phải chịu vài trận đòn thừa sống thiếu chết do chồng gây ra”.
Cũng như các địa phương trong tỉnh, TX Sông Cầu hiện có khá nhiều hình thức giáo dục cộng đồng về phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, trong đó có tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng; cuộc thi tìm hiểu về phòng chống bạo lực gia đình; lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt của các CLB...
Tại huyện Phú Hòa, ông Đinh Công Thạch, Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết vẫn còn nhiều chị em trên địa bàn huyện có cuộc sống khó khăn, thường xuyên phải chống chọi với bệnh tật, bị bạo lực gia đình. Năm 2017, toàn huyện xảy ra 7 vụ bạo lực gia đình, tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng tình trạng bạo lực đã làm cho nhiều phụ nữ suy sụp tinh thần và thể chất.
Bình đẳng nam - nữ trong mọi lĩnh vực đời sống
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, cho biết: Tình trạng bạo lực gia đình, trong đó có bạo lực phụ nữ là hành vi vi phạm quyền con người, làm xói mòn đạo đức, ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai và sự bền vững của gia đình.
Theo số liệu thống kê, trong 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2.221 vụ/2.221 người bị bạo lực gia đình, đa phần là phụ nữ và trẻ em gái. Điều đáng lo ngại là hiện nay tình trạng xâm hại, bạo lực phụ nữ, trẻ em gái tiếp tục tăng và trở thành vấn đề bức xúc đối với gia đình và xã hội.
Là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước CEDAW, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đó là xây dựng hệ thống chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.
Tại buổi lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động vì bình đẳng giới (15/11-15/12) và “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực chống lại phụ nữ bằng những hành động thiết thực, cụ thể để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng.
Từ đó nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống. Các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tất cả chúng ta cùng hành động vì một xã hội an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
KIM CHI