Qua hơn 5 năm triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn hay học yếu” do Công đoàn ngành Giáo dục phát động, đã hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần tô đẹp thêm nghĩa cử cao đẹp của những người làm nghề “đưa đò”. Nghĩa cử này càng trở nên đẹp hơn khi được thực hiện bởi những thầy cô giáo đang công tác ở miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn.
Tại Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa), ngoài việc thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách ưu tiên cho 223 học sinh dân tộc thiểu số về các chế độ như hỗ trợ gạo và tiền ăn, nhà trường còn nhận đỡ đầu 99 học sinh có hoàn cảnh khó khăn về chi phí học tập, hỗ trợ khu nội trú miễn phí cho 100 em. Ngoài ra, các thầy cô giáo còn tổ chức phụ đạo không thu tiền các em này.
Thầy Lê Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Phan Bội Châu cho biết: “Vào đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp Ban Chấp hành Công đoàn phát động cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn hay học yếu”. Chúng tôi luôn chú trọng đối tượng là những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và vượt khó học giỏi. Đồng thời, Đoàn trường đứng ra tổ chức các đợt vận động, quyên góp, mỗi năm gây quỹ khoảng 50-60 triệu đồng để giúp đỡ các em học sinh nghèo”.
Gần 2 năm học tại Trường THPT Phan Bội Châu, em Nguyễn Thị Bích Nhị, học sinh lớp 11A2, được thầy cô hỗ trợ, tạo điều kiện, giúp đỡ nên em dần xóa đi những mặc cảm khi học yếu một số môn. Với em Nhị cũng như nhiều học sinh được nhận đỡ đầu khác, các em luôn có một tình yêu đặc biệt với thầy cô dưới mái trường này; xem thầy cô như một người cha/mẹ, người anh/chị đáng kính.
“Em vui lắm, nhờ các thầy cô giáo hướng dẫn, chỉ bảo mà em đã dần tiến bộ và bắt đầu thích học các môn tự nhiên. Bây giờ em rất tự tin xung phong lên bảng giải các bài tập khó”, cô bé Nhị rụt rè ngày nào nhanh nhảu nói như đáp lại phần nào công sức và tâm huyết của các thầy cô giáo. Thầy Nguyễn Thành Chí, Chủ tịch CĐCS Trường THPT Phan Bội Châu nói: “Nhà trường lấy cuộc vận động làm hoạt động thi đua giữa các giáo viên. Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng học tập cho các em. Trong chương trình kỷ niệm 45 năm thành lập trường vào dịp khai giảng năm học được tổ chức mới đây, nhà trường đã vận động trao tặng 100 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng. Ngoài ra, thầy cô còn tặng những phần quà như quần áo, sách vở, xe đạp… để giúp các em đến trường ngày càng hiệu quả hơn”.
Tại Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (huyện Sông Hinh), để kịp thời khắc phục tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình, cán bộ, giáo viên nhà trường đã có những cách làm sáng tạo để giúp học sinh bằng việc kết hợp với các cơ quan báo chí tổ chức vận động, quyên góp giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học. Với mô hình này, đơn vị đã nhận được trên 230 triệu đồng để hỗ trợ học sinh. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn vận động một số doanh nghiệp và người thân trong gia đình giúp đỡ học sinh lớp của mình nhằm giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.
Thầy Đặng Quang Hiên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt cho biết: “Theo chủ trương của ngành, trường đã phổ biến cuộc vận động này cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Nhà trường phân công từng giáo viên chủ nhiệm các khối lớp chọn ra những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nhất để nhận đỡ đầu. Năm học 2018-2019 có 187 em được nhận đỡ đầu. Ngoài các hình thức giúp đỡ bằng tiền mặt, tặng xe đạp, bảo hiểm y tế, đồ dùng học tập, áo quần và hàng ngàn tiết dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh, nhà trường còn đăng ký nhận giúp đỡ một thôn đặc biệt khó khăn và đưa một số máy vi tính về tập huấn cho cán bộ thôn để giúp bà con trong thôn được tiếp cận internet…”.
Mặc dù hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của nhiều cán bộ, giáo viên còn khó khăn, thế nhưng, từ ngày đầu phát động tại các đơn vị trường học trong toàn ngành, cuộc vận động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, giáo viên ở các cấp học.
Theo bà Nguyễn Ngọc Huyền, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Phú Yên, so với các địa phương ở vùng đồng bằng, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở những vùng miền núi vẫn cao hơn. Vì vậy, khi Công đoàn ngành Giáo dục triển khai cuộc vận động, một số trường học trên địa bàn miền núi Sông Hinh và Sơn Hòa thật sự là điển hình để nhiều trường ở các địa phương khác học tập và làm theo.
“Sau hơn 5 năm triển khai cuộc vận động, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có hơn 10.000 học sinh được nhận đỡ đầu với số tiền hàng tỉ đồng. Đáng mừng có nhiều em bỏ học giữa chừng đã sớm trở lại trường, làm gương cho các bạn khác. Dấu ấn của cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận lớn trong xã hội; khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với nghề giáo. Qua đó tôn lên hình ảnh và nghĩa cử cao đẹp của người giáo viên trong lòng phụ huynh, học sinh, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng xã hội học tập ở địa phương”, bà Huyền khẳng định.
NGỌC HÂN