Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. Từ đó giúp cho đời sống đối tượng yếu thế ngày càng được tốt hơn.
Giúp người nghèo vươn lên
Toàn tỉnh hiện có hơn 39.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hơn 20.000 hộ nghèo và hơn 20.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó có 2.820 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 2.931 người cao tuổi neo đơn, 5.214 người khuyết tật thuộc dạng thần kinh, trí tuệ và 5.373 người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Ngưu (70 tuổi, ở thôn Đại Bình, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) mù hai mắt, thuộc diện hộ nghèo, chia sẻ: Tôi tuy mù, nhưng nhờ có người thân giúp đỡ nên bản thân cũng còn phụ giúp được những công việc lặt vặt trong nhà. Những năm qua, nhờ có các cấp, ngành hỗ trợ, cuộc sống cũng đỡ vất vả. Năm 2017, được Nhà nước hỗ trợ con bò giống, tôi cùng gia đình cố gắng nuôi, hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn”.
Còn vợ chồng ông Nguyễn Đình Thi (60 tuổi, ở xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) hàng ngày phải chia nhau chăm sóc người con Nguyễn Chí Thiên, sinh năm 1994, bị tàn tật, thiểu năng bẩm sinh. Ông Thi bộc bạch: “Trước đây, tôi là lính đặc công, sau về lập gia đình và sinh được 6 người con, trong đó cháu Thiên chẳng may bị tật nguyền. Cháu bị co giật, động kinh… nên vợ chồng tôi thay nhau ở nhà chăm sóc. Cuộc sống vì vậy cũng khó khăn hơn. Mấy năm qua, Nhà nước hỗ trợ phần nào nên chúng tôi được động viên, an ủi”.
Ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, cho biết: Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện tập trung nhiều ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Năm 2017-2018, vận động từ nhiều nguồn khác nhau, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng hơn 1.000 nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 249.289 lượt người nghèo, người dân đang sinh sống tại các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 28.564 lượt người cận nghèo; hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, xóa nhà ở tạm…
Đổi mới để đảm bảo an sinh
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, diện bao phủ của trợ giúp xã hội còn hạn chế; mức hỗ trợ còn thấp, chưa bảo đảm được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu; còn một bộ phận người dân khó khăn chưa tiếp cận được chính sách, dịch vụ trợ giúp xã hội; chênh lệch đời sống của đối tượng sống ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước còn cao. Ngoài ra còn chưa thiết kế chính sách trợ giúp xã hội theo vòng đời, phổ quát toàn dân để bảo đảm quyền an sinh xã hội và giải quyết những khó khăn của người dân theo nhóm tuổi.
Theo quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH, trong giai đoạn tới, đổi mới chính sách trợ giúp xã hội dựa trên quan điểm: Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia. Đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh.
Ông Võ Văn Binh, cho biết: Nhiều đối tượng xã hội vẫn còn khó khăn trong cuộc sống nên tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 phải có 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; mở rộng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Trung ương. 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh sẽ liên tục tổ chức nâng cao năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm công tác trợ giúp xã hội, cán bộ LĐ-TB-XH cơ sở, cộng tác viên công tác xã hội, cán bộ các hội, đoàn thể; phát triển dịch vụ trợ giúp khẩn cấp phù hợp theo hướng dựa trên mức độ thiệt hại, mức độ tổn thương, hoàn cảnh cụ thể và khả năng khắc phục rủi ro của cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán.
KIM CHI