Ngoài chuẩn bị kiến thức về nghề nghiệp, thì việc trau dồi những kỹ năng vào đời như: kỹ năng sống, kỹ năng tổ chức quản lý công việc sẽ giúp thanh thiếu niên thêm vững vàng và tự tin hội nhập với xã hội. Đó cũng chính là hành trang mà Tổ chức Cô nhi thế giới WWO (Worldwide Orphans Foundation) vừa phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên mang đến cho học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên trong hội trại Tâm thế vào đời.
Hành trang vào đời
Hội trại Tâm thế vào đời là một trong những hoạt động đầu tiên thuộc dự án Xây dựng kỹ năng vào đời cho thanh thiếu niên ở Phú Yên. Mục đích nhằm giúp các em hiểu rằng, ngoài trang bị kiến thức nghề nghiệp, các em cần phải trau dồi kỹ năng sống độc lập và các kỹ năng khác, tạo nền tảng vững chắc, tự tin đối diện với các nhà tuyển dụng. Và để có được hành trang như vậy, học sinh, sinh viên phải chuẩn bị từ ngay bây giờ.
Theo bà Ngô Thị Thùy, Giám đốc Tổ chức Cô nhi thế giới WWO tại Việt Nam, mô hình chuẩn bị kỹ năng vào đời cho thanh thiếu niên là một hình tam giác. Cạnh thứ nhất là chuẩn bị kỹ năng nghề nghiệp. Cạnh thứ hai là trau dồi những kỹ năng mềm. Và cạnh thứ ba của hình tam giác này, chính là kỹ năng chuẩn bị để đi làm, đó là những kỹ năng về sắp xếp, quản lý công việc, quản lý thời gian và tác phong công nghiệp cần thiết để có thể hòa nhập với môi trường làm việc một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Dự hội trại Tâm thế vào đời, học sinh, sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tham gia vào hoạt động của 6 trạm, tượng trưng cho 3 cạnh của mô hình “Xây dựng kỹ năng vào đời”. Trạm 1 sử dụng công cụ cầm tay; trạm 2 khởi nghiệp và pha chế (nghiệp vụ nhà hàng) thuộc khu vực kỹ năng nghề. Trạm 3 kỹ năng sống độc lập và trạm 4 những nguy cơ, cơ hội trong xã hội thuộc khu vực kỹ năng hội nhập. Trạm 5 tìm hiểu thông tin thời đại 4.0 và trạm 6 kỹ năng quản lý tổ chức thuộc khu vực chuẩn bị làm việc.
Trần Hoàng Đại, sinh viên năm 3 ngành Điện công nghiệp (Trường cao đẳng Nghề Phú Yên), chia sẻ: “Lúc đầu, khi tham gia các trò chơi, em cảm thấy khá bỡ ngỡ, chưa biết như thế nào. Nhưng sau khi người điều hành trạm gợi ý cách thức làm việc, em đã hiểu ra vấn đề và hình thành nhiều ý tưởng quản lý công việc của mình nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cụ thể là việc học tập sẽ được ưu tiên hàng đầu trong thời gian này hay học cách loại bỏ những công việc không cần thiết... Theo em, đó là những kỹ năng tốt sẽ giúp em trong công việc và các mối quan hệ sau này”.
Tự tin hội nhập
Tham gia hội trại Tâm thế vào đời, học sinh, sinh viên của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên còn được các khách mời là đại diện nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, cựu học sinh... chia sẻ kinh nghiệm về góc độ tuyển dụng, đào tạo nghề, những kinh nghiệm đi làm trong talkshow “Tâm thế vào đời”.
Chị Vũ Thị Kiều Oanh, nhân viên khách sạn Sala (TP Tuy Hòa), cựu sinh viên của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, bày tỏ: “Đến với hội trại Tâm thế vào đời, tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn về những kinh nghiệm học tại trường và thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Trước hết, các bạn phải học tập thật tốt. Và để tìm một công việc vừa có thu nhập ổn định vừa hài lòng bản thân thì các bạn cần phải trau dồi thêm nhiều kỹ năng sống, giao tiếp; thậm chí quan tâm, chăm chút đến ngoại hình để bản thân luôn tự tin và đạt hiệu quả hơn trong công việc”.
Với vai trò đồng tổ chức hội trại Tâm thế vào đời do Tổ chức Cô nhi thế giới WWO triển khai ở Phú Yên, bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên cho biết, qua hội trại Tâm thế vào đời, chúng tôi nhận thấy các em vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng mềm, các kỹ năng sống hay kỹ năng về quản lý, sắp xếp công việc cho tương lai...
Vì vậy, với vai trò của mình, Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên sẽ tiếp tục phối hợp tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em có vấn đề về tâm lý; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt kỹ năng sống và kỹ năng vào đời cho các em tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên.
Theo bà Ngô Thị Thùy, trước mắt thì dự án này sẽ diễn ra trong 3 năm và sẽ hỗ trợ cho đối tác là Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Trong 3 năm này sẽ có 60 học sinh, sinh viên của nhà trường được hỗ trợ một cách toàn diện, không những được nhận các suất học bổng, mà còn được trang bị những kỹ năng vào đời để khi ra trường, các em có thể tự tin, sẵn sàng hội nhập xã hội và tự tìm cho bản thân một công việc ổn định.
THIÊN LÝ