Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 9/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu, bia cao
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày nêu rõ sự cần thiết ban hành luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ, thể hiện qua ba tiêu chí (mức tiêu thụ, mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia và tỉ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại).
Về mức tiêu thụ, nếu quy đổi rượu, bia ra lít cồn nguyên chất, mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới là 8,3 lít, lên vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể.
Nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi vào năm 2010, trung bình một nam giới Việt Nam tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên/năm, xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và thứ 29 trên thế giới. Tỉ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh và cao hơn từ rượu (Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Bình quân mỗi người dân đã tiêu thụ khoảng 42 lít bia).
Về mức độ phổ biến của việc uống rượu, bia, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỉ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỉ lệ này ở cả hai giới đang gia tăng. Tình trạng uống rượu, bia ở mức ngụy hại rất đáng lưu tâm năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%). Tình trạng này phổ biến hơn ở các hộ gia đình người dân tộc thiểu số, miền núi và nông thôn.
Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng, là thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát trỉển bền vững (SDGs) mà Việt Nam đã cam kết. Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ tác hại của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe; đối với với tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội và gia đình; đối với kinh tế.
Cụ thể, trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10, sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, trong đó có các bệnh rối loạn tâm thần, hành vi, các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, giảm sút trí nhớ...
Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra.
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực, gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.
Rượu, bia là hai sản phẩm đồ uống có chứa cồn phổ biến, chiếm khoảng 99,7% thị phần, 0,3% còn lại là đồ uống khác có chứa cồn hoặc nước giải khát pha chế thêm rượu, bia.
Rượu, bia ở Việt Nam hiện nay sẵn có và rất dễ tiếp cận. Thời gian bán, số lượng rượu bán để uống tại chỗ không bị hạn chế. Hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ bia vẫn chưa được kiểm soát bằng các quy định pháp luật, diễn ra phố biến, tần xuất cao; chưa có biện pháp hạn chế đối với trẻ em, thanh thiếu niên.
Dự án luật gồm bảy chương, 38 điều. Với tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, dự án luật chỉ điều chỉnh đối với rượu và bia vì đây là hai sản phẩm phổ biến nhất, chiếm khoảng 99,7% thị phần tại Việt Nam.
Để phù hợp với mục tiêu: bảo vệ sức khỏe người dân, dự án luật quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và các hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia. Đây cũng là biện pháp, cách thức mà đa số các nước đều đang thực hiện, đồng thời chú trọng thêm các quy định đặc thù cho sản xuất rượu thủ công.
Chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về "phòng bệnh hơn chữa bệnh", trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Đồng thời, việc ban hành luật sẽ kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Về tên gọi của dự án luật, đa số ý kiến thành viên Ủy ban nhất trí với tên gọi "Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia" như tờ trình của Chính phủ với các lý do tên gọi này ngắn gọn, bao quát, dễ hiểu, dễ nhớ, thuận lợi cho việc tuyên truyền và tiếp cận pháp luật của nhân dân; thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, phù hợp với quan điểm về y học dự phòng là cần chủ động phòng ngừa từ sớm, chứ không chỉ ứng phó khi đã lạm dụng và xảy ra hậu quả tiêu cực; không chỉ bao hàm phạm vi điều chỉnh đối với hành vi của người sử dụng rượu, bia mà còn xác định trách nhiệm của các chủ thể khác (Nhà nước, cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân). Đây cũng là tên gọi đã được xác định trong Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.
Một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi là "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" hoặc "Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn" để hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng rượu, bia; có ý kiến đề nghị lấy tên gọi là "Luật Kiểm soát rượu, bia" để điều chỉnh toàn diện các vấn đề về phòng, chống tác hại của rượu, bia; ý kiến khác đề nghị lấy tên là "Luật Phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn" để có tính bao quát, dễ áp dụng và hạn chế việc lợi dụng luật.
Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội thấy rằng về cơ bản, hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự án luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách về các phương diện xã hội, tài chính, nhân lực và thủ tục hành chính phát sinh trong dự thảo luật; đánh giá sơ bộ kết quả thi hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến rượu, bia. Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đánh giá chi tiết hơn tính thống nhất của dự thảo uật với một số luật có liên quan cũng như sự tương thích với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các điều ước quốc tế khác...
Cũng trong phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt.
Theo TTXVN, Vietnam+