Những năm qua, chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai ở Đồn Biên phòng Xuân Thịnh (BĐBP Phú Yên) đã giúp nhiều học sinh nghèo, mồ côi có điều kiện đến trường, nuôi dưỡng ước mơ nơi chân sóng. Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ, chương trình còn mang đến cho cán bộ, nhân dân nơi đây những cảm xúc về nghĩa tình quân dân, nuôi dưỡng niềm tin và quyết tâm xây dựng tuyến biên giới biển vững mạnh, phát triển.
Em Huỳnh Ngọc Sơn hiện là học sinh lớp 10, Trường THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu). So với nhiều bạn bè trang lứa, Sơn rất thiệt thòi bởi em mồ côi cả cha lẫn mẹ. “Ngày em được ba tháng tuổi thì ba mất tích ngoài biển. Mẹ cũng bệnh và qua đời khi em vừa tròn 7 tuổi. Bà ngoại hàng ngày đi mò cua bắt ốc kiếm tiền nuôi em và một người cậu tật nguyền”, Sơn kể.
Khi Sơn bước vào lớp 9 cũng là lúc bà ngoại không còn đủ sức làm lụng. 14 tuổi, em đã trở thành lao động chính, chạy lo từng bữa ăn cho cả gia đình. Buổi sáng em đến trường, trưa về cơm nước xong là đạp xe đến ngay chỗ làm. Công việc thường xuyên của Sơn bây giờ là phụ việc cho các cơ sở chế biến nước mắm trong xã. Những việc như khiêng vác, trộn muối, đổ cá vào thùng, rút mắm từ thạp, giúp em kiếm được 50.000-60.000 đồng mỗi buổi làm.
Với số tiền này, ngoài chi tiêu trong gia đình, em còn để dành mua sách vở đi học. Song, không phải lúc nào chuyện kiếm tiền lo cho gia đình của Sơn cũng ổn định. “Vào mùa cá, ngày nào cũng có công việc để làm. Mấy tháng biển động, ít việc, em lo lắm. Nhiều bữa bí tiền, em cứ đến các trại nuôi thủy sản ngồi chờ. Có lúc chủ trại bảo em phụ băm cá, trộn thức ăn cho tôm, làm xong việc các cô chú cho 25.000 hay 30.000 đồng”, Sơn tâm sự.
Tuy cực nhọc nhưng chưa bao giờ Sơn có ý nghĩ bỏ học. Sơn kể, nhiều hôm đi làm mệt, tối ngồi học bài, đôi mắt em cứ ríu lại rồi ngủ gục trên bàn hồi nào không biết, tỉnh dậy đã thấy 3 giờ sáng. “Em luôn nghĩ mình phải cố gắng học.
Tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 có thể không xin được việc nhưng kiến thức luôn có ích cho em. Ước mơ của em là mở trại nuôi thủy sản. Kiến thức học phổ thông sẽ giúp em biết tính toán để không bị thất bại”, Sơn bộc bạch như một người từng trải.
Cũng như Huỳnh Ngọc Sơn, em Nguyễn Quân, học sinh lớp 3, Trường tiểu học số 1 Xuân Hải mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm lên 6 tuổi. Quân hiện được bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Song, đồng tiền kiếm được từ nghề đan lưới thuê, mót cá của một cụ bà ở tuổi 70 không đủ đắp đổi cuộc sống.
Cảnh nhà thiếu thốn với những bữa cơm không đủ dinh dưỡng, lại phải đi bộ hơn 3 cây số, mỗi ngày hai lượt đến trường, về nhà khiến thân hình của Quân gầy đen, nhỏ choắt. Vậy mà, nghe chúng tôi hỏi về ước mơ, ánh mắt của cậu học trò nghèo học giỏi này như bật sáng.
Quân chia sẻ: “Ba mẹ em đều chết do căn bệnh ung thư. Em muốn học thật giỏi sau này làm bác sĩ, nghiên cứu cách trị căn bệnh hiểm nghèo đó để cứu người”.
Đó là hai trong số sáu học sinh nghèo trên địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Thịnh quản lý nhận được sự hỗ trợ của chương trình “Nâng bước em tới trường”. Là người trực tiếp tham gia khảo sát để triển khai chương trình, trung tá Lê Hữu Thao, Chính trị viên Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, chia sẻ: “Nếu ai tận mắt chứng kiến hoàn cảnh các em, thấy xót xa đến nhói lòng, mới hiểu được tâm trạng nhẹ nhõm của chúng tôi trong ngày làm lễ nhận đỡ đầu các em hôm nay”.
Anh cũng cho biết, sau khi có kế hoạch của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh về chương trình “Nâng bước em tới trường”, cán bộ đơn vị đã về từng địa phương, khảo sát tại gia đình và đến trường gặp thầy cô giáo để tìm hiểu từng hoàn cảnh. “Chúng tôi muốn lựa chọn đúng đối tượng để chương trình thực sự hữu ích và đúng với tính nhân văn của nó”, trung tá Lê Hữu Thao nói.
Trong 6 học sinh nghèo trên địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Thịnh quản lý, nhận đỡ đầu, 4 em đã không còn đủ cha, mẹ. Theo trung tá Lê Hữu Thao, trước đây khi biết trên địa bàn đồn quản lý có những học sinh mồ côi, gia đình nghèo đứng trước nguy cơ bỏ học, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã góp tiền, vật chất giúp đỡ.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng chỉ có tính thời điểm. Khi biết Bộ tư lệnh BĐBP phát động chương trình “Nâng bước em tới trường”, anh và nhiều đồng đội thực sự tâm đắc. “Với mục tiêu, yêu cầu mà chương trình đề ra, cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải luôn đặt mình trước trách nhiệm chăm sóc, dõi theo, giúp đỡ các em cho tới ngày các em kết thúc lớp 12”, trung tá Thao nói.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” ở Phú Yên đã hỗ trợ 49 gia đình có trẻ mồ côi, nghèo 500.000 đồng/tháng/gia đình, cho đến khi các em hoàn thành lớp 12.
Đại tá Nguyễn Văn Minh, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên, từng có 14 năm là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Thịnh, chia sẻ: “Tôi tin những cháu nhỏ hôm nay ngồi đây, ngày mai vào đời cũng ý thức được sứ mệnh thiêng liêng ấy. Được nuôi dưỡng, được học hành tốt, các cháu sẽ đem nguồn tri thức giúp ích cho gia đình và xây dựng quê hương, đồng thời tham gia gìn giữ chủ quyền vùng biển, đảo của đất nước”.
PHƯƠNG OANH - HOÀNG LÊ