Dù có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình, song hiện nay, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao, đặc biệt là khu vực miền núi.
Kết hôn sớm để có người làm rẫy
Theo Ban Dân tộc tỉnh, dân số vùng miền núi của tỉnh hơn 236.300 người (khoảng 57.900 hộ), chiếm 26,6% dân số toàn tỉnh; trong đó, dân tộc thiểu số hơn 58.000 người (13.580 hộ), chiếm 24,9% dân số vùng miền núi và 6,6% so với dân số toàn tỉnh), với 31 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái…
Đời sống vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, bà con còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: kết hôn sớm để có người làm rẫy, kết hôn với người trong họ tộc để lưu giữ tài sản… Vì thế, tình trạng hôn nhân cận huyết xảy ra nhiều ở các huyện Sông Hinh (trong đó người Ê Đê chiếm tỉ lệ cao), Sơn Hòa và Đồng Xuân. Việc kết hôn sớm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giáo dục, việc làm, dẫn đến nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự suy thoái giống nòi.
Theo điều tra của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, ở khu vực miền núi, cứ 100 cặp kết hôn thì có khoảng 30 cặp chưa đủ tuổi; 20/100 cặp kết hôn cận huyết thống với anh em chú bác, cô cậu, dì…
Mí Lan ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, có chồng lúc 15 tuổi, mới 20 tuổi đã là mẹ của hai con. Hai vợ chồng không có nghề nghiệp, chỉ có vài sào đất để trồng sắn, bữa đói bữa no. Trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản đợt 2 vừa qua, Mí Lan đi khám sức khỏe, mới biết mình bị suy nhược cơ thể. Mí Lan nói: “Hồi đó, gia đình rất nghèo, nghĩ lấy chồng về làm rẫy nuôi thân, nhưng giờ thấy cực khổ nhiều”.
Theo chị Dương Thị Đông, cán bộ dân số xã Ea Ly, từ năm 2015-2017, xã có 16 trường hợp tảo hôn. Các bà mẹ còn trẻ, kiến thức không có, khả năng chăm sóc con cái chưa nhiều nên trẻ em sinh ra thường còi cọc, suy dinh dưỡng… Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở các cặp vợ chồng tảo hôn rất cao.
Còn tại huyện Đồng Xuân, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng chiếm tỉ lệ cao; trong đó, dân tộc Chăm H’Roi và Ba Na chiếm hơn 70%. Riêng xã Phú Mỡ, từ năm 2013-2016 có hơn 130 cặp tảo hôn, tuổi đời từ 15-17.
La Lan Phin ở thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ, 22 tuổi, nhưng lấy chồng đã được 5 năm. Bây giờ một nách 2 con. La Lan Phin nói: “Hồi trước gia đình nghèo, tôi nghỉ học sớm, rồi gia đình cho lấy chồng sớm để có con cái, có người làm rẫy, chăn bò. Cuộc sống bây giờ cơ cực, hàng ngày tôi phải địu đứa nhỏ đi chăn bò, còn đứa lớn ở nhà với bà”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh điều tra thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở ba huyện miền núi. Trong công tác phối hợp này, chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kiến thức pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và gia đình đến cán bộ, công chức, người có uy tín cấp thôn, xã ở các địa phương.
Thời gian qua, Trung tâm DS-KHHGĐ các địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc thiểu số giảm thiểu việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Nhiều địa phương xây dựng được mô hình hoạt động hiệu quả. Điển hình như xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) xây dựng các CLB phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống qua việc vận động và phát huy vai trò của các già làng, trưởng họ, những người có uy tín tại địa phương.
Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, chủ trì thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025. Ban đang phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh và các sở, ngành liên quan tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về hôn nhân giữa gia đình với gia đình, nhà trường và xã hội.
Ông La Văn Tỷ, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025, qua tuyên truyền bước đầu đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, ban tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số”.
Trong Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nội dung nâng cao chất lượng dân số, can thiệp giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là vấn đề quan trọng.
Chương trình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm làm cho cộng đồng, gia đình và nam nữ thanh niên hiểu rõ nguy cơ và hậu quả nhiều mặt của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, hiểu rõ những quy định pháp luật nghiêm cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tạo ra cơ chế tự ngăn ngừa trong cộng đồng và mỗi gia đình.
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết kéo dài qua nhiều thế hệ sẽ khiến giống nòi suy vong, con cái bị bệnh, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục triển khai những giải pháp thiết thực, phù hợp khi vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
(Nguồn: Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020) |
KIM CHI