Ngày 19/10/2011, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định lấy ngày 11/10 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế trẻ em gái, với mục đích kêu gọi cộng đồng tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em gái và cùng đấu tranh chống lại những khó khăn, bạo lực và tội phạm mà các em phải đối mặt trên khắp thế giới. Không phải tất cả trẻ em gái trên toàn thế giới đều phải đối mặt với những thách thức này, song hầu hết các trẻ em gái sẽ gặp phải ít nhất một trong những thách thức đó.
Quan niệm lạc hậu
Năm 2018, với chủ đề “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”, với mục đích nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của cộng đồng về vai trò và giá trị của con gái trong gia đình và xã hội, đặc biệt là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam, nữ thanh niên, vị thành niên. Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng, các tổ chức và xã hội chung tay giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), một vấn đề cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, các địa phương chú trọng tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi sự tham gia, hành động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay giải quyết MCBGTKS.
Chị Nguyễn Thị Hòa (35 tuổi), ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, đã có 2 con “đủ nếp đủ tẻ”, mặc dù được cán bộ dân số vận động nhưng vẫn quyết định sinh thêm con thứ 3, vì hai đứa con đã lớn.
Với tư tưởng phải có con trai để nối dõi, vợ chồng chị Đỗ Hồng Nga ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) vẫn cố bằng được để sinh con trai, dù chị sắp bước sang tuổi 40. Mặc dù bản thân nhận thức được việc sinh nhiều con không tốt nhưng chị Nga vẫn phải “cố sinh được con trai để nối dõi”.
Trường hợp của vợ chồng chị Nga, chị Hòa không phải hiếm. Hầu hết các gia đình khi sinh hai con đều vẫn cảm thấy ít nên muốn sinh thêm cho đông anh đông em, kể cả nhà có con trai rồi thì vẫn mong có thêm con trai nữa để... dự phòng. Đó là những nguyên nhân khiến tình trạng sinh con thứ ba của tỉnh trong những năm gần đây tăng cao.
Bà Ngô Thị Hồng Duyên, cán bộ dân số xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: Công tác tuyên truyền về lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn, khi tuyên truyền thì một số chị em tỏ ra rất hưởng ứng, kể cả những gia đình sinh con một bề, nhưng thực tế khi mình quay lại tiếp tục thì họ đã mang thai rồi. Tâm lý phải có con trai để nối dõi đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, muốn thay đổi điều này không dễ dàng chút nào.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, công tác dân số của tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mức sinh giảm chưa bền vững, có nguy cơ tăng trở lại. Thống kê cho thấy, năm 2009 tổng tỉ suất sinh là 1,96 con, đến năm 2016 là 2,28 con; tình trạng MCBGTKS có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng vẫn còn ở mức cao (năm 2016 là 109,73 nam/100 nữ). Năm 2017, số trẻ em là con thứ ba trở lên gần 1.000 trẻ, tăng gần 90 trẻ so với cùng kỳ, tỉ lệ sinh con thứ ba ở mức 9,5%, tăng 1% so với cùng kỳ. Tỉ số giới tính khi sinh 111,4 trẻ em trai sinh ra còn sống/100 trẻ em gái sinh ra còn sống.
Tiếp tục tuyên truyền, giảm thiểu MCBGTKS
Theo thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), tỉ suất giới tính khi sinh (TSGTKS) ở Việt Nam đang ở mức cao, tăng nhanh và ngày càng lan rộng; tình trạng MCBGTKS xảy ra cả ở thành thị và nông thôn. TSGTKS của Việt Nam từ năm 2006 đến nay luôn ở mức trên 110 trẻ em trai/100 trẻ em gái và còn tiếp tục tăng. Dự báo, nếu khuynh hướng này không thay đổi thì vào năm 2035, Việt Nam sẽ thừa hơn 10% nam giới so với nữ giới.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng MCBGTKS như, do áp lực giảm sinh, chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, chính sách ưu tiên đối với nữ giới chưa thật sự thỏa đáng, lạm dụng những tiến bộ khoa học để lựa chọn giới tính trước sinh, tư tưởng trọng nam khinh nữ, con trai nối dõi tông đường…
Ông Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết: “MCBGTKS đang là một trong những thách thức đặt ra cho việc ổn định quy mô dân số, giảm sinh bền vững. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có tư tưởng có con trai nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người dân khiến họ vẫn cố lựa chọn giới tính con để có con trai…
Trước thực trạng này, nhiều năm qua, ngành Dân số tỉnh đã và đang triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng, mất cân bằng, tiến tới ổn định tỉ số giới tính khi sinh, nhưng hiện nay công tác này còn gặp nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân”.
Ông Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết việc kiểm soát, can thiệp giảm thiểu MCBGTKS gặp khó khăn, quy định cấm tiết lộ giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì giới tính, trên thực tế đã bị bỏ ngỏ chưa được xử lý nghiêm.
Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được thực trạng, hệ lụy của vấn đề này; kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn giới tính khi sinh, đặc biệt ở các phòng khám tư nhân.
Năm 2018, mục tiêu của ngành Dân số Phú Yên phấn đấu mức giảm tỉ lệ sinh 0,2%; mức giảm tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên 0,3%; tỉ lệ tăng dân số tự nhiên 0,84%; nâng cao sức khỏe bà mẹ, giảm bệnh tật và tử vong trẻ em.
Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay, Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ một lần nữa đề cao chủ đề, nội dung tuyên truyền “Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi”, nhằm khẳng định vai trò, vị trí của trẻ em gái, đặc biệt là đảm bảo tính cân bằng dân số hiện nay.
KIM CHI