Hội LHPN tỉnh vừa phối hợp với Hội LHPN huyện Tuy An thành lập và ra mắt Tổ phụ nữ liên kết sản xuất nước mắm sạch (SXNMS) An Chấn. Mô hình này nhằm liên kết các gia đình, hội viên phụ nữ hợp tác SXNMS, chất lượng, để đưa sản phẩm nước mắm truyền thống của địa phương ra thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ địa phương.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên (người đầu tiên từ phải sang) trao quyết định thành lập tổ cho Chủ tịch Hội LHPN xã An Chấn - Ảnh: NGỌC DUNG |
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Tổ phụ nữ liên kết SXNMS An Chấn được thành lập theo đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Tổ nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các thành viên trong tổ thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, không sử dụng hóa chất khi làm mắm; sử dụng các nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, để cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu nước mắm sạch An Chấn trên thị trường.
Cuối tháng 9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Công thương tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật chế biến nước mắm, chia sẻ cách chế biến, bảo quản để quảng bá sản phẩm, hướng dẫn cách thức thành lập, xây dựng thương hiệu…
Tổ phụ nữ liên kết SXNMS An Chấn do chị Lê Thị Như Nguyện, Chủ tịch Hội LHPN xã An Chấn kiêm Trưởng ban điều hành tổ với 10 thành viên tham gia. Các thành viên này là những gia đình làm nước mắm truyền thống ở địa phương nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Nữ, 60 tuổi ở thôn Mỹ Quang Nam cũng như nhiều chị em khác trong tổ đều cảm thấy rất vui khi được Hội Phụ nữ cấp trên quan tâm hướng dẫn chị em phát triển nghề truyền thống để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Nữ thổ lộ: “Tôi làm nghề muối mắm đã mấy chục năm, nhưng chỉ làm mắm theo cách thức truyền thống cùng những kinh nghiệm bản thân tích lũy được.
Lâu nay, khâu đầu ra sản phẩm hơi khó khăn, tôi cũng như một số chị em khác chỉ có thể bán ở chợ trong thôn, trong xã và người quen, giá thành một chai nước mắm không cao so với thị trường. Đây là điều trăn trở của chị em chúng tôi”.
Chủ tịch Hội LHPN xã An Chấn Lê Thị Như Nguyện chia sẻ: Bên cạnh mục đích tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Tổ còn tạo sự liên kết, đoàn kết gắn bó các chị em tâm huyết với nghề làm mắm, đồng thời phối hợp cùng Hội Phụ nữ tỉnh, huyện, ngành chức năng động viên chị em nỗ lực khởi nghiệp từ chính nghề truyền thống địa phương để tăng thu nhập, ổn định đời sống…
Hướng đến nước mắm sạch An Chấn
Chị Trần Kiều Diễm, báo cáo viên của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Phú Yên (Sở Công thương) chia sẻ trong buổi tập huấn quy trình SXNMS cho phụ nữ An Chấn, cho biết: Để làm nước mắm sạch theo quy trình khép kín, yêu cầu rất chặt chẽ các khâu nguyên liệu, chế biến, bảo quản, kiểm định chất lượng sản phẩm…
Chẳng hạn như muốn đạt được chất lượng nước mắm sạch thì bà con phải thu mua cá đúng mùa vụ cá rộ. Thứ hai là muối phải sạch. Lâu nay, bà con thường mua muối ở TX Sông Cầu chở về, nhưng không biết nguồn gốc ra sao, cách xử lý muối thế nào.
Trong khi đó để muối sạch, người ta yêu cầu muối phải được lưu kho 12 tháng, phải loại trừ một số tạp chất trong muối, mới có thể sử dụng để muối cá. Tỉ lệ ủ chụp trộn cá với muối cũng phải theo đúng tỉ lệ 3 cá 1 muối. Khi ủ chụp cá muối cần phải dùng thùng gỗ bời lời…
Theo chị Diễm, một trong những khâu mà chị em ít để ý là đóng gói bảo quản nước mắm. Thông thường, chị em thường rút mắm bỏ vào chai nhựa vì tiện lợi, giá thành thấp, dễ vận chuyển, trong khi tốt nhất là đựng nước mắm trong chai thủy tinh.
Đặc biệt, khâu kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm cực kỳ quan trọng. Bởi nếu kiểm nghiệm không đúng chỉ tiêu yêu cầu thì sản phẩm đó không phải nước mắm sạch. Khi sản phẩm chất lượng, xây dựng được thương hiệu trên thị trường thì giá trị sản phẩm được nâng cao rất nhiều.
Lâu nay, các chị em ở An Chấn bán nước mắm loại 1 khoảng 100.000 đồng/lít, trong khi trên thị trường loại thấp nhất là 120.000-200.000 đồng/lít vì nhãn mác và thương hiệu mà họ đã xây dựng được. Chị Diễm cho hay: Để làm được điều này, đầu tiên các thành viên trong tổ cần phải học lớp kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm để lấy chứng chỉ, sau đó mới có thể bắt tay vào các công đoạn tiếp theo.
Thực tế hiện nay thị trường ngày càng mở rộng, nếu sản phẩm chúng ta giậm chân tại chỗ, 1-2 năm nữa nếu sản phẩm không có thương hiệu, nhãn hiệu thì không thể bán ra thị trường. Các đội quản lý thị trường đi kiểm tra thấy sản phẩm không có nhãn mác, bắt hủy sản phẩm thì người kinh doanh sẽ trắng tay.
Ngồi lắng nghe những gì các cán bộ Hội Phụ nữ, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Phú Yên chia sẻ trong suốt buổi tập huấn, bà Nữ rất vui mừng. Với bà, nhờ tham gia lớp tập huấn này mà “sáng” ra nhiều điều. Tuy nhiên, bà Nữ không khỏi băn khoăn bởi những đòi hỏi khắt khe trong quá trình SXNMS. Bà mong Hội Phụ nữ phối hợp cùng ngành chức năng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các thành viên trong tổ tích cực trong quá trình sản xuất, quảng bá nước mắm sạch An Chấn.
Phó Chủ tịch UBND xã An Chấn Nguyễn Thị Ẩm bày tỏ niềm vui khi được Hội LHPN tỉnh, huyện chọn An Chấn để triển khai hỗ trợ mô hình phụ nữ khởi nghiệp: “Tôi mong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh, huyện cùng với Sở Công thương tạo điều kiện giúp đỡ cho Hội LHPN xã tổ chức, triển khai, điều hành Tổ phụ nữ liên kết SXNMS An Chấn hoạt động hiệu quả, chất lượng, để góp phần nâng cao chất lượng nước mắm An Chấn ngày càng thơm, ngon, an toàn, uy tín trên thị trường, đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng”.
NGỌC DUNG