Thứ Bảy, 30/11/2024 07:48 SA
Nỗ lực giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Thứ Sáu, 21/09/2018 11:35 SA

Cán bộ dân số huyện Sông Hinh tuyên truyền cho người dân về sàng lọc trước sinh - Ảnh: N.LÊ

Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ đã góp phần nâng cao nhận thức người dân, cải thiện tình trạng sinh sản, sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ của Phú Yên nói chung và huyện Sông Hinh nói riêng đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức, đó là: Mức sinh chưa ổn định, vẫn còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Kiên trì tuyên truyền, vận động

 

Là huyện miền núi, có đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên những năm qua, việc thực hiện giảm tỉ lệ sinh con thứ ba và tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại huyện Sông Hinh gặp nhiều khó khăn. Song bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đến nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của địa phương đã được kéo giảm.

 

Ông Lê Văn Bi, Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh cho biết: “Vài năm về trước, khi nhắc đến việc giảm tỉ lệ sinh con thứ ba và giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tại Sông Hinh, rất ít người nghĩ huyện có thể thực hiện được. Bởi Sông Hinh là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và theo chế độ mẫu hệ nên rất cần con gái, nhưng họ cũng cần con trai để đi làm rẫy. Với quyết tâm giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, cùng với tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các địa phương, hoạt động truyền thông luôn được Trung tâm DS-KHHGĐ huyện coi trọng.

 

Năm 2012, Sông Hinh được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chọn triển khai thực hiện mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 11 xã, thị trấn. Để mô hình hoạt động hiệu quả, tại các xã đều thành lập CLB Phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế, với sự tham gia của ban dân số xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… Hoạt động của CLB tập trung vào sinh hoạt theo nhiều chuyên đề khác nhau như vay vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ ngày công lao động, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ...

 

Việc truyền thông này đã được người dân hưởng ứng và thực hiện. Gia đình Ma Việt ở buôn Bá (xã Ea Bá) trước đây là hộ nghèo, có tới 4 người con trai, vì muốn có con gái để nương tựa tuổi già, vợ chồng Ma Việt muốn sinh thêm con. Từ khi được cán bộ dân số tới tuyên truyền vận động, Ma Việt đã dần thay đổi cách nghĩ và thực hiện các biện pháp tránh thai. Nhờ vậy mà giờ đây gia đình Ma Việt làm ăn khá giả, không nghĩ tới việc sinh con gái nữa.

 

Ma Việt nói: “Lúc đầu tôi mong sinh con gái để nương tựa tuổi già nhưng nhờ cán bộ dân số tuyên truyền vận động “trai hay gái đều là con”, giờ tôi không quan tâm đến việc sinh con gái nữa, lo phát triển kinh tế, nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn là đủ rồi”.

 

Chị Nguyễn Thị Nga ở thị trấn Hai Riêng sinh con một bề là gái, gia đình chị cũng muốn có một con trai để nối dõi. Việc này làm chị mất ăn, mất ngủ bởi mình là cán bộ nhà nước nên không thể vi phạm chính sách dân số. Chị tìm đến nhà cán bộ dân số thị trấn Hai Riêng để nhờ tư vấn, và vận động giúp chồng, gia đình chồng nhà chị để không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhờ kiên trì vận động, cán bộ dân số thị trấn đã gỡ khó cho gia đình chị Nga, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về quan niệm con trai - con gái.

 

Nâng cao nhận thức thay đổi hành vi

 

Qua gần 6 năm triển khai, mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” đã được duy trì và mang lại hiệu quả. Hầu hết chị em nhận thức được lợi ích của việc sinh ít con, không sinh con thứ ba để nuôi dạy con cho tốt và đặc biệt thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phải sinh con trai để nối dõi, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Chị Phạm Thị Thu Hương, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn Hai Riêng chia sẻ: “Lúc đầu tới nhà vận động khó khăn lắm, gia đình họ nói rất khó nghe nhưng mình phải kiên trì, phân tích rằng trai hay gái đều được, miễn là các cháu ngoan, biết vâng lời. Với lại, anh chị là cán bộ nhà nước thì nên thực hiện tốt chính sách dân số, tới mãi, nói mãi rồi họ cũng nghe và cuối cùng là thực hiện”.

 

Cùng với việc triển khai mô hình “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sông Hinh còn tích cực tổ chức các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, bạo lực gia đình để cung cấp cho chị em phụ nữ các kiến thức về DS-KHHGĐ.

 

Chị Hờ Ngô, cán bộ chuyên trách xã Ea Trol cho biết: “Việc tuyên truyền về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được địa phương thực hiện một cách có hiệu quả. Là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc cần con gái để nương tựa đã trở thành nếp nghĩ của bà con. Việc để bà con nghe và hiểu thì mình phải có phương pháp, ngoài cách đến từng nhà thì việc tuyên truyền trực quan, thành lập các mô hình đã từng bước giảm tỉ lệ về tình trạng này”.

 

Nhờ đó, nhận thức của người dân đã dần thay đổi, chỉ tính trong năm 2017, tổng số sinh của huyện Sông Hinh là 762, trong đó có 402 bé trái và 360 bé gái. Tỉ số giới tính khi sinh này nằm trong giới hạn cho phép.

 

Bên cạnh việc tuyên truyền thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, cần có thêm những chính sách khuyến khích, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong gia đình, xã hội và cộng đồng. Có như thế, địa phương mới có thể sớm đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, tránh những hệ luỵ của mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ

huyện Sông Hinh Lê Văn Bi

 

HOÀNG LÊ - NGỌC LY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek