Thời gian qua, nhiều thông tin về các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” bánh trung thu của các thương hiệu nổi tiếng được rất nhiều người tiêu dùng quan tâm. Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu.
Chuộng sản phẩm tốt cho sức khỏe
Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, thị trường bánh trung thu đã “rục rịch” khởi động. Hàng chục quầy bánh trung thu dã chiến “mọc” trên khắp các tuyến phố. Các dòng bánh trung thu công nghiệp thương hiệu lớn như Kinh Đô, Bibica, Long Xương, Như Lan, Yến Sào Khánh Hòa, Hữu Nghị... mỗi nhà sản xuất đều đưa ra nhiều dòng bánh mới, từ phân khúc bình dân đến cao cấp, với nhiều cải tiến về mẫu mã, chủng loại cho đến hương vị.
Điểm nhấn của thị trường bánh trung thu năm nay là các dòng bánh dành cho người ăn chay, ăn kiêng, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Các dòng sản phẩm này sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu thực vật cao cấp như hạnh nhân, hạt sen, mè đen, hạt chia, hạt mắc ca, kiwi; kết hợp với đường ăn kiêng tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho người già có bệnh huyết áp, tim mạch.
Điển hình, mùa Trung thu 2018, Công ty CP Kinh Đô tung ra dòng sản phẩm mới là bánh trung thu Hồng Ngọc Tâm An cho người ăn kiêng, sử dụng nguyên liệu chính là hạt sen, matcha, đậu đỏ, hạnh nhân. Tương tự, Công ty CP Bibica cũng tung ra các dòng bánh trung thu Trăng Vàng cho người ăn kiêng với các thành phần tương tự. Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng tập trung mạnh vào các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe với các nguyên liệu cao cấp như hải sâm, trứng cá tầm, đông trùng hạ thảo, bào ngư, việt quất, hạt chia, kiwi, đào, hạnh nhân…
Với dòng bánh cho người ăn kiêng, đơn vị này sử dụng đường ăn kiêng Isomalt. Các dòng bánh khác cũng được hạn chế tối đa lượng đường để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. 2018 cũng là năm đầu tiên đơn vị sản xuất bánh trung thu Hữu Nghị thử nghiệm dòng bánh trung thu Sugar Free sử dụng đường không năng lượng dành cho người tiêu dùng có chỉ số đường huyết cao, người bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch…
Bên cạnh đầu tư về chất lượng, các mẫu hộp bánh trung thu năm nay được thiết kế khá đơn giản nhưng vẫn sang trọng và tinh tế để phù hợp với nhu cầu tặng, biếu mùa Trung thu.
Chị Lê Kim Hoàng Vi, chủ một sạp bánh trung thu trên đường Trần Hưng Đạo, TP Tuy Hòa, cho biết: Năm nay, giá bánh trung thu khá ổn định; riêng nhà sản xuất Kinh Đô điều chỉnh giá tăng khoảng 5%. Hiện bánh trung thu bình dân dao động từ 60.000-90.000 đồng/cái. Các dòng bánh trung thu cao cấp từ 250.000 đến trên 2 triệu đồng/hộp, sử dụng nhiều nguyên liệu cao cấp hơn như vi cá, yến sào, nhân sâm, bào ngư, đông trùng hạ thảo, trứng cá hồi...
Ngoài ra, các nhà sản xuất bánh trung thu truyền thống của địa phương cũng tung ra các dòng bánh nướng dành cho thiếu nhi với giá từ 5.000-20.000 đồng/cái cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng. Năm nay, các dòng bánh trung thu sử dụng nguyên liệu tự nhiên, bánh dành cho người ăn chay, ăn kiêng rất được khách hàng ưa chuộng. Dự kiến, sức tiêu thụ bánh trung Thu tăng khoảng 10-15% so với năm trước.
Chị Ngô Thị Thu Hà, nhân viên một doanh nghiệp tư nhân ở huyện Sơn Hòa, nói: Phụ trách việc chọn mua bánh trung thu tặng các đối tác nên cứ đầu mùa trung thu, tôi thường đi khảo sát thị trường để tìm các sản phẩm phù hợp với khách hàng; trong đó có không ít người ăn kiêng. Năm nay, các nhà sản xuất đều đưa ra nhiều dòng bánh tốt cho sức khỏe, với nhiều vị bánh ngon, mẫu mã đẹp, nhiều mức giá nên tôi dễ dàng chọn được các sản phẩm phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng khách hàng, đối tác của công ty.
Tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm
Lực lượng QLTT nhắc nhở người kinh doanh chấp hành quy định về an toàn thực phẩm - Ảnh: NGÔ XUÂN |
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa trung thu, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đã tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có bánh trung thu. Hiện bánh trung thu có 2 loại chính là bánh công nghiệp và bánh truyền thống sản xuất tại địa phương. Đối với loại bánh trung thu công nghiệp, đoàn tập trung kiểm soát về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, các thủ tục về công bố chất lượng sản phẩm, nơi sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản sản phẩm...
Với các loại bánh trung thu truyền thống sản xuất tại địa phương thì ngành chức năng đặc biệt lưu ý đến nguồn gốc, chất lượng các loại nguyên, nhiên liệu, quy trình sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, nhãn mác hàng hóa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến, lưu thông, bảo quản sản phẩm... nhằm kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng bánh trung thu, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Còn theo ông Huỳnh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, mới đầu mùa bánh trung thu, nhiều thông tin về các sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, “đội lốt” các thương hiệu lớn tung ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng bất an. Trước thực trạng trên, đơn vị đã tổ chức kiểm tra trên toàn địa bàn; tập trung vào các đại lý bánh trung thu trên các tuyến phố, đặc biệt là tại các chợ, khu vực nông thôn, miền núi… Đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện các loại bánh trung thu trên.
Theo các ngành chức năng, bên cạnh 2 dòng bánh trung thu trên, vài năm gần đây, dòng bánh trung thu handmade cũng đang “làm mưa làm gió” trên khắp các trang mạng xã hội. Ưu điểm của bánh trung thu này được giới thiệu là sử dụng nguyên liệu sạch, không sử dụng phụ gia, chất bảo quản và giá cả phải chăng. Thế nhưng, các cơ sở này chỉ làm thêm tại nhà với số lượng hạn chế, và giao hàng trực tiếp cho khách nên các ngành chức năng rất khó kiểm soát về chất lượng, độ an toàn của sản phẩm. Do vậy, mỗi người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ trước khi mua các loại bánh trung thu này.
NGÔ XUÂN