Bước vào mùa mưa lũ 2018, các nhà máy thủy điện đã chủ động kiểm tra hồ đập, nhà máy, trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với thiên tai, mưa lũ. Các địa phương chịu ảnh hưởng do thủy điện xả lũ cũng tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi có thiên tai, mưa lũ, sự cố hồ đập thủy điện.
Kiểm tra thực tế từng hạng mục, thiết bị
Công nhân của Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ kiểm tra máy vận hành trước mùa mưa bão - Ảnh: NGÔ XUÂN |
Theo Sở Công thương, đến thời điểm này, các nhà máy thủy điện trên địa bàn đã hoàn thành việc kiểm định an toàn đập; phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn đập, bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du do xả lũ…
Công tác chuẩn bị vận hành hồ chứa cũng đã được các nhà máy hoàn tất. Năm nay, các nhà máy thủy điện đã hoàn thành lắp đặt, bảo dưỡng các camera giám sát mực nước hồ tại thượng lưu đập tràn và xả nước tại hạ lưu đập tràn.
Hệ thống camera này đã được kết nối internet để theo dõi trực tuyến mực nước hồ trên hệ thống quan sát từ xa và truyền hình ảnh đến Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh cũng như các địa phương, sở ngành để chủ động theo dõi, chỉ đạo.
Để tăng cường hiệu quả việc tuyên truyền, cảnh báo người dân vùng hạ lưu, các nhà máy thủy điện cũng đã lắp đặt các trạm cảnh báo xả lũ tại đập tràn, nhà máy và trên tuyến hành lang xả lũ ở hạ du để kịp thời thông báo cho người dân biết và chủ động phòng tránh khi các nhà máy tiến hành xả lũ.
Cụ thể, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ lắp đặt 10 trạm cảnh báo, Nhà máy thủy điện Sông Hinh lắp đặt 5 trạm, Nhà máy thủy điện Krông H’Năng lắp đặt 5 trạm và Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 lắp đặt 2 trạm.
Ngoài ra, các nhà máy thủy điện cũng ký hợp đồng với Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ để cập nhật các bản tin dự báo khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa; đồng thời lắp đặt thêm các trạm đo mưa tự động để nâng cao khả năng dự báo, phục vụ tốt hơn công tác vận hành hồ chứa.
Ông Nguyễn Đức Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, đơn vị đã kiểm tra, rà soát, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống trang thiết bị, các hạng mục công trình của Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ.
Cụ thể, đơn vị đã khai thông, nạo vét hệ thống rãnh thoát nước, phát quang cỏ, cây tạp hai bên đường vận hành, đảm bảo thông suốt trong mùa mưa bão. Công ty cũng tổng kiểm tra các hạng mục công trình như đập tràn, đập chính, đập phụ và kênh dẫn nước, cửa nhận nước và đường hầm, nhà máy, kênh xả, trạm phân phối 220kV…
Ngoài ra, đơn vị cũng đã tổ chức diễn tập PCTT-TKCN với những tình huống về nguy cơ mất an toàn đập để tăng cường tính chủ động, sẵn sàng khi có những tình huống xảy ra đối với các lực lượng tại chỗ cũng như người dân vùng hạ du. Đến thời điểm này, đơn vị đã thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác PCTT-TKCN, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do bão, lũ gây ra, đảm bảo vận hành an toàn thiết bị, công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong mùa mưa, bão, lũ năm 2018.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Giữa tháng 8/2018, Sở Công thương đã phối hợp với các sở ngành và các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân kiểm tra công tác chuẩn bị vận hành hồ chứa và quản lý an toàn hồ đập đối với các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông - H’Năng, La Hiêng 2 trước mùa mưa bão 2018.
Đoàn làm việc đã kiểm tra thực tế các hạng mục công trình của các nhà máy thủy điện như đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cổng lấy nước…; nhận thấy các hạng mục công trình đang vận hành ổn định, an toàn. Công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa lũ cũng được các nhà máy rất quan tâm.
Địa phương, người dân nâng cao cảnh giác
Bên cạnh vai trò của các nhà máy thủy điện, chính quyền các địa phương thuộc vùng hạ du của các nhà máy thủy điện cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh lũ.
Ông Nông Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, bày tỏ: Xã Đức Bình Đông có khoảng 1.000 dân thuộc thôn Chí Thán nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng khi các nhà máy thủy điện xả lũ; trong đó, khoảng 30 hộ dân ở xóm Ngoài thường xuyên phải di dời khi có nước lớn.
Hiện nay, địa phương liên tục tuyên truyền người dân nâng cao ý thức ứng phó với thiên tai, mưa lũ. Bước vào mùa mưa lũ 2018, địa phương cũng chuẩn bị sẵn sàng ghe máy và các trang thiết bị cứu hộ để hỗ trợ người dân di dời, bảo vệ người và tài sản khi cần thiết.
Khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa là nơi trực tiếp ảnh hưởng mỗi khi thủy điện Sông Ba Hạ và thủy điện Sông Hinh vận hành xả lũ. Nhiều năm qua, chính quyền và người dân địa phương này luôn đề cao cảnh giác, chủ động phòng tránh khi các thủy điện xả lũ.
Ông Lê Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Củng Sơn, cho biết: Đối với một số khu vực thường xuyên bị ngập sâu, thị trấn Củng Sơn đã có kế hoạch di dời trên 70 hộ dân (đợt 1) đến định cư ở khu vực khác để ổn định đời sống. Địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó khi có mưa lũ.
Công tác phối hợp giữa địa phương với các nhà máy cũng rất nhịp nhàng. Đặc biệt, từ khi các nhà máy thủy điện lắp đặt hệ thống cảnh báo xả lũ thì người dân đã chủ động hơn trong việc ứng phó với mưa lũ. Ý thức của người dân về phòng chống thiên tai cũng ngày càng được nâng cao hơn.
Không chỉ chính quyền các địa phương, mà bản thân mỗi người dân sống ở vùng hạ lưu các nhà máy thủy điện cũng luôn đề cao cảnh giác với việc thủy điện xả lũ.
Ông Trương Văn Kình ở xã Đức Bình Đông, cho biết: Chúng tôi đi làm cả ngày nên chẳng mấy khi biết được thông báo xả lũ của các nhà máy thủy điện. Từ khi các nhà máy lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ, tôi thấy yên tâm hơn hẳn. Ngoài ra, tôi cũng luôn nhắc nhở con cháu không chơi, tắm ở sông, suối vào mùa mưa lũ để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Để chủ động phòng tránh, ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ sắp tới, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, thời gian tới, tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, Sở Công thương yêu cầu các nhà máy không được lơ là, chủ quan; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các hệ thống cảnh báo lũ cũng như các hạng mục, công trình để kịp thời khắc phục khi có sự cố; liên tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết thông tin cảnh báo để chủ động ứng phó.
Đặc biệt, các nhà máy phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để đưa ra những dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCTT-TKCN để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về thiên tai, mưa lũ.
NGÔ XUÂN