Gần 20 năm trước, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo” được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và đã nhận được sự tham gia hưởng ứng mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, kể cả kiều bào ở nước ngoài. Tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng BĐBP tỉnh cũng đã tích cực chung tay vì người nghèo, bằng những việc làm cụ thể.
Đơn cử, từ năm 2009 đến nay, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã huy động hàng ngàn ngày công giúp dân xây dựng và sửa chữa 21 ngôi nhà, 23 phòng học, 6 nhà văn hóa thôn, khu phố; tham gia sửa chữa, nâng cấp 14km đường nông thôn; nhận đỡ đầu 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học đến tốt nghiệp THPT với mức hỗ trợ 500.000 đồng/em/tháng bằng chính tiền lương bộ đội và tiền tiết kiệm của đơn vị; vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tổ chức cho người dân chuyển đổi ngành nghề, cơ cấu vật nuôi cây trồng, đánh bắt hải sản; xây dựng 10 mô hình giúp dân phát triển kinh tế; hướng dẫn, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ngân hàng đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ và đã có 7 tàu thuyền được đóng mới theo Nghị định 67/CP với tổng trị giá khoảng 111 tỉ đồng. Thực hiện Chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, Đồn Biên phòng Tuy Hòa đã tổ chức tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, xây dựng 9 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo…
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và lực lượng BĐBP, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ven biển của tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo, hoặc không thể xóa được nghèo do gặp rủi ro, mất sức lao động…
Vì vậy, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”, toàn hệ thống chính trị, trong đó có BĐBP phải coi giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm; “chung tay vì người nghèo” là trách nhiệm của chính mình. Việc chăm lo này cần phải nhìn về lâu dài, phải chủ động trong việc hoạch định những kế sách chăm lo cho người dân thoát nghèo bền vững, có ý chí vươn lên và không ỷ lại vào sự trợ giúp. Đặc biệt, vùng ven biển là nơi thường bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, bão lũ, gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người và tài sản.
Không ít gia đình đã phải ghi tên vào danh sách hộ nghèo chỉ sau một cơn cuồng nộ của thiên nhiên; nhiều người rơi vào hoàn cảnh cùng cực khi mất cả nhà cửa, tài sản và người thân. Vì vậy, cùng với có chính sách hỗ trợ về vật chất, hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế gia đình bền vững, việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước hiểm họa của thiên nhiên là trên hết, nhất là ngư dân trực tiếp hoạt động đánh bắt trên biển, khu vực bãi ngang và những nơi thường bị ảnh hưởng của triều cường.
LẠC VIỆT